“Câu chuyện về gốm lâu nay không phải là câu chuyện mới, nhưng gốm Biên Hòa không chỉ là cái tên của một nghề truyền thống trên vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển, mà còn là một “thương hiệu” nổi tiếng ở Việt Nam cũng như nước ngoài” – đó là chia sẻ của nghệ nhân Đinh Công Lai, nguyên Trưởng khoa Gốm, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.
Nghệ nhân gốm Đinh Công Lai đang thực hiện xoay gốm. |
1. Chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân gốm Đinh Công Lai khi ông vừa xoay vừa kể cho các em học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa câu chuyện về gốm. Đôi bàn tay của ông say sưa vuốt, xoay đất sét để tạo thành bình gốm mới thấy sự tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo của người thợ gốm. Tạo được một sản phẩm đẹp phải phụ thuộc vào kinh nghiệm từ khâu chọn đất, nhào đất, xoay, đến khi phơi, cho vào nung…
Nghệ nhân Đinh Công Lai kể, cách đây hơn 40 năm, ông học làm gốm tại Trường Kỹ thuật Biên Hòa, nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ra trường, ông vào làm tại Công ty Gốm Đồng Nai, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, bắt đầu từ công việc của người thợ xoay ống đũa, sau đó lên làm thợ chính xoay bình hoa và các sản phẩm thủ công từ gốm với nhiều chủng loại, mẫu mã, đáp ứng thị trường.
Sau 20 năm làm thợ xoay gốm (1976-1996), ông về giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho đến khi nghỉ hưu (năm 2017). Không chỉ truyền dạy kỹ năng, phương pháp tạo hình bằng bàn xoay, nghệ nhân Đinh Công Lai còn tích cực sáng tác, tham gia nhiều cuộc thi, triển lãm gốm trong và ngoài tỉnh, đoạt các giải cao.
“Tôi đã dành hơn nửa cuộc đời theo đuổi gốm, chứng kiến những thăng trầm của nghề. Có thời điểm, gốm Biên Hòa dần như mai một. Thế nhưng hiện nay, gốm đã và đang được quan tâm, vực dậy và phát triển mạnh lên. Tôi cảm thấy rất vui, phấn khởi và hãnh diện vì được theo đuổi đam mê, sống với nghề truyền thống của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai” – ông Lai chia sẻ.
Với gần 50 năm theo đuổi nghề gốm, nghệ nhân Đinh Công Lai đang tích cực truyền nghề, tham gia nhiều diễn đàn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm làm gốm, kỹ thuật xoay gốm với niềm tin tạo ra một lớp trẻ kế tục, tiếp nối nghề để gốm Biên Hòa ngày càng phát triển và vươn xa.
2. Theo nghệ nhân Đinh Công Lai, trong suốt chiều dài hơn 325 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai không ngừng đổi thay, các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề gốm với những nét đặc sắc, độc đáo đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa. Bởi vậy, từ khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian để đi chia sẻ, giới thiệu và quảng bá hình ảnh gốm Biên Hòa đến với cộng đồng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên trong các trường học.
“Trong quá trình học, làm nghề, dạy học…, tôi đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm đó, tôi đã và đang truyền dạy lại cho những người trẻ yêu nghề. Trong các buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên, tôi tự mình xoay gốm, giới thiệu các công đoạn thực hiện để tạo thành một sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Ở đó, công đoạn nào cũng rất quan trọng và người thợ gốm phải thực sự yêu nghề, tận tâm mới cho ra đời được sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” – ông Lai nói.
Xem nghệ nhân Đinh Công Lai xoay gốm, cách ông nâng niu, trân trọng những giá trị cha ông để lại, cũng như chia sẻ cách làm gốm với các em học sinh mới cảm nhận được tình yêu với nghề gốm của người nghệ nhân gắn bó gần 50 năm. Bên cạnh việc giữ gìn tinh hoa trong nghề làm gốm, ông nói rằng hiện nay các nghệ nhân còn học hỏi những điểm mới của khoa học kỹ thuật để giúp sản phẩm gốm mang hơi thở đương đại, đến gần hơn với công chúng.
3. Với mong muốn thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, nghệ nhân Đinh Công Lai dành nhiều thời gian, tâm huyết để truyền nghề. Ông luôn trăn trở làm sao để nâng cao hơn nữa tính ứng dụng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, gốm Biên Hòa nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, chỉ có đi vào cuộc sống, được cộng đồng đón nhận thì gốm Biên Hòa mới có thể sống đời sống thực của nó và tạo ra sức phát triển mới.
Nối nghiệp nghệ nhân Đinh Công Lai, con trai của ông là thạc sĩ Đinh Công Việt Khôi đang giảng dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ tại Khoa Gốm, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Vừa dạy học, anh Đinh Công Việt Khôi còn tích cực sáng tạo, thiết kế các sản phẩm gốm, phục vụ cho hoạt động quảng bá, phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh. Trong đó phải kể đến bình rượu vang Thanh Long, bình rượu bưởi Năm Huệ.
Nói về những dự định trong thời gian tới, nghệ nhân Đinh Công Lai cho biết, trước mắt sẽ tiếp tục truyền nghề, tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ với cộng đồng nghề gốm, kỹ thuật xoay gốm, khắc nổi, chấm men… Công việc này không chỉ giúp người trẻ giữ lửa với gốm Biên Hòa, định hướng nghề nghiệp mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nghề làm gốm.
Ly Na