Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài về. Bởi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm (CGC) và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Giang. |
Phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang về nội dung trên và các giải pháp phòng, chống dịch CGC.
Đồng Nai chưa phát hiện ổ dịch CGC mới
* Thưa ông, nguy cơ xảy ra dịch CGC trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
– Năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 ổ dịch CGC H5N1 (chủng cúm có thể lây lan và gây tử vong cho con người) tại huyện Tân Phú. Năm 2022, toàn tỉnh xuất hiện 3 ổ dịch CGC. Cụ thể, huyện Trảng Bom xảy ra 1 ổ dịch CGC H5N1 và có sự lưu hành virus cúm H5N1 ở chợ; huyện Cẩm Mỹ xảy ra 1 ổ dịch và 1 cơ sở chăn nuôi có lưu hành virus; huyện Vĩnh Cửu xảy ra 1 ổ dịch. Năm 2023, Đồng Nai khống chế và không để xảy ra CGC vì các khu vực nguy cơ cao đã được tổ chức tiêm phòng, đến nay không phát sinh ổ dịch CGC mới.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng lưu hành virus H5N1 ở chợ Sông Mây (huyện Trảng Bom) làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên động vật và cho con người. Nguyên nhân là do huyện Trảng Bom triển khai chưa đúng yêu cầu, chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 6 ổ dịch CGC với tổng số gia cầm mắc bệnh hơn 8 ngàn con, số gia cầm chết và tiêu hủy gần 9 ngàn con. Đặc biệt, ngày 22-3, một nam bệnh nhân 21 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa đã tử vong do dương tính với cúm A/H5N1. |
* Vậy công tác tiêm phòng và giám sát lưu hành virus CGC trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào?
– Công tác giám sát lưu hành virus giúp phát hiện sớm mầm bệnh, chủ động trong công tác phòng dịch bệnh và làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất tổ chức tiêm phòng bệnh CGC ở khu vực có nguy cơ cao. Trên địa bàn tỉnh có 7 huyện, thành phố có nguy cơ thấp; có 4 huyện nguy cơ cao gồm: Tân Phú, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu.
Công tác tiêm phòng và lấy mẫu giám sát được thực hiện tốt. Cụ thể, đã thực hiện lấy hơn 3,2 ngàn mẫu giám sát cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại để xét nghiệm, kết quả tất cả đều âm tính. Xét nghiệm gần 1,3 ngàn mẫu giám sát chăn nuôi nông hộ, kết quả có 1 mẫu dương tính với H5N1 trên vịt tại chợ; đã hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định. Tại các huyện có nguy cơ cao, đã lấy 270 mẫu huyết thanh trên đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở 9 xã của 3 huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom để giám sát sau tiêm phòng bệnh CGC. Kết quả xét nghiệm có 235/270 mẫu kháng thể, tỷ lệ bảo hộ đạt hơn 87%.
Giám sát CGC cũng được thực hiện tại các chợ: Nhân Nghĩa, Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ); Sông Mây và Bờ Hồ (huyện Trảng Bom), lấy 140 mẫu xét nghiệm lưu hành virus CGC/5 vòng; đã có kết quả xét nghiệm 4 vòng, phát hiện 6 mẫu dương tính với H5N1 (tỷ lệ 5,35%). Việc tiêm phòng tại 3 huyện có nguy cơ cao: Tân Phú, Trảng Bom và Cẩm Mỹ đạt tỷ lệ trên 94%.
Tăng cường các giải pháp phòng dịch
* Tình trạng buôn bán gia cầm không nguồn gốc trên địa bàn tỉnh hiện như thế nào, thưa ông?
– Đồng Nai có mật độ chăn nuôi cao, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua nên khó kiểm soát được tình trạng vận chuyển gia cầm nhập lậu từ các tỉnh giáp biên giới đi qua địa bàn tỉnh. Theo đó, áp lực về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Đồng Nai rất lớn. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh, cùng với việc lưu hành virus CGC trên địa bàn nên có nguy cơ tiếp tục phát sinh dịch bệnh trong thời gian tới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 cơ sở giết mổ, trong đó có khoảng 10 cơ sở giết mổ gia cầm với dây chuyền đạt chuẩn, công suất lớn. Các cơ sở này chủ yếu giết mổ gà công nghiệp cung cấp vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở trên giết mổ từ 40-42 ngàn con gà, kiểm soát được hơn 80% tổng sản lượng gia cầm giết mổ, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Còn lại gần 20% là gia cầm sống được buôn bán và giết mổ nhỏ lẻ tại các chợ tự phát hoặc các điểm kinh doanh vỉa hè, lề đường, khó kiểm soát về xuất xứ, nguồn gốc.
Lực lượng thú y tỉnh tổ chức tiêm phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: TL |
* Đồng Nai có những giải pháp gì để phòng, chống dịch CGC hiệu quả?
– Ở đây, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý được tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm sống không rõ nguồn gốc. Các địa phương và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng giết mổ không phép; vận chuyển, buôn bán gia cầm không nguồn gốc trên địa bàn. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh CGC và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
* Tiêm vaccine cho đàn gia cầm là một trong những giải pháp chính để phòng dịch CGC bùng phát và lây lan. Đồng Nai có đảm bảo nguồn vaccine phòng dịch trong thời gian tới?
– Năm 2023, tổng số vaccine phòng các loại dịch bệnh trên động vật được người dân sử dụng là hơn 29,4 triệu liều; tiêm phòng từ nguồn ngân sách gần 675 ngàn liều. Tỉnh đang làm thủ tục đấu thầu nguồn vaccine trong năm 2024, đảm bảo đủ nguồn vaccine tiêm phòng dịch CGC trên địa bàn.
* Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về kế hoạch ứng phó khi xảy ra dịch CGC trên địa bàn tỉnh?
– Thuận lợi của Đồng Nai là hệ thống thú y đầy đủ 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Lực lượng thú y đang tập trung tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là các khu vực có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện và xử lý, không để dịch bệnh lây lan.
Trong trường hợp phát hiện ổ dịch CGC, lực lượng thú y các cấp sẽ triển khai nhanh chóng, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tiêm phòng và bao vây ổ dịch, kiểm soát kịp thời, không để dịch lây lan.
* Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)