Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai được quy hoạch 27 cụm công nghiệp (CCN) với gần 1,5 ngàn hécta. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, số còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Hạ tầng Cụm công nghiệp Thạnh Phú – Thiện Tân hiện vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: V.GIA |
Trong khi nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa rất lớn, việc thiếu quỹ đất công nghiệp theo quy chuẩn sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng DN và sự phát triển bền vững của địa phương. Sự lệch pha trong cung – cầu cũng như những khó khăn trong công tác đầu tư hạ tầng CCN rất cần có sự tháo gỡ kịp thời.
Lệch pha trong cung – cầu mặt bằng sản xuất
Tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng chậm, chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất, kinh doanh là thực tế chung tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh nguồn lực hạn chế của DN sản xuất thì đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc nhiều nhà xưởng sản xuất vẫn chưa được quy hoạch, di dời vào khu sản xuất tập trung.
Điều này có thể thấy rõ nét ở ngành gỗ. Khu vực sản xuất gỗ lớn của Đồng Nai là: Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc. Đặc biệt, khu vực làng nghề gỗ Hố Nai dày đặc các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ lẻ vẫn hoạt động xen lẫn khu dân cư. Nếu tính trên bình diện rộng thì toàn tỉnh có khoảng 1 ngàn DN chế biến gỗ (chưa tính trên 500 cơ sở sản xuất hộ gia đình), chiếm 30% của toàn vùng Đông Nam Bộ; nhưng chỉ khoảng 13% trong số này có nhà máy đặt tại các cụm và khu công nghiệp. DN sản xuất gỗ quy mô nhỏ phần lớn vẫn đang hoạt động ở ngoài khu vực công nghiệp tập trung.
Tương tự, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có hơn 600 hội viên trên toàn tỉnh và đang được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Vấn đề là rất nhiều DN hội viên cũng đang phải hoạt động chưa đúng chuẩn, nhà máy vẫn chưa vào được khu sản xuất tập trung. Trong một cuộc khảo sát nhanh vào năm 2023, hàng chục hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết, họ có nhu cầu thuê đất trong khu vực sản xuất tập trung thuộc khu, CCN và mong muốn được hỗ trợ.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long, hội mong muốn địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để có thể đầu tư, xây dựng một CCN phục vụ cho hội viên. Mong muốn là vậy, song với tình hình bất động sản giá cao và các khó khăn khác như hiện nay, một CCN cho doanh nhân trẻ vẫn đang là điều khá xa vời.
Chủ một DN khác thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bày tỏ, mấy năm nay ông vẫn đi tìm đất mở rộng nhà máy, nhưng thuê đất trong khu, CCN rất đắt. Mặt khác, trong phần lớn các DN nhỏ chỉ có nhu cầu thuê diện tích nhỏ từ 1-3 ngàn m2 hay vài trăm m2 thì hầu hết các CCN chỉ cho thuê diện tích lớn. Do đó, rất ít DN thuê được đất quy mô nhỏ theo nhu cầu sản xuất của họ.
Đầu tư hạ tầng CCN ngày càng khó
Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2025, tất cả các CCN đã được quy hoạch đều có quyết định thành lập. Phấn đấu 100% CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn, lấp đầy 60% diện tích các CCN đã được thành lập vào năm 2025 và lấp đầy 70% diện tích trong giai đoạn 2026-2030.
Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp. Ảnh minh họa |
Nhưng việc đầu tư để xây dựng hạ tầng CCN trong giai đoạn hiện nay lại hết sức khó khăn. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách để khuyến khích nhà đầu tư quan tâm, phát triển hạ tầng CCN nhưng kết quả vẫn chưa đạt so với yêu cầu. Mới chỉ có 4 cụm hoàn thành xây dựng hạ tầng, nhiều cụm khác đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện và một số chưa có nhà đầu tư. Những khó khăn của nền kinh tế thời gian qua đã ảnh hưởng đến một số chủ đầu tư hạ tầng CCN về năng lực tài chính và tác động đến việc thu hút dự án đầu tư thứ cấp.
Đơn cử như CCN Quang Trung (huyện Thống Nhất) được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009, nhưng tới hiện tại CCN này vẫn còn nhiều vướng mắc; trong đó có sự chưa đồng bộ đối với vấn đề thành lập CCN và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho chủ đầu tư Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng năm 2009, diện tích hơn 31 hécta. Trong khi đó, quyết định thành lập CCN, quy hoạch xây dựng 1/500 và quyết định thu hồi đất là gần 80 hécta. Ngoài ra, dự án cũng đang vướng mắc ở khâu có đấu giá hay không phần diện tích đất xây dựng nhà máy (đất có nguồn gốc của công ty cao su). Cuối năm 2023, công ty đã kiến nghị tỉnh sớm giải quyết các vướng mắc để tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng CCN.
Một số CCN khác như Thạnh Phú – Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), CCN Vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) khó khăn trong việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, nước thải, cấp nước… Theo Sở Công thương, hiện tỉnh đã nâng mức hỗ trợ tối đa lên 50 tỷ đồng/dự án đầu tư hạ tầng CCN với mong muốn sẽ tạo một sự khích lệ hơn cho các nhà đầu tư.
Tại buổi làm việc với chủ đầu tư Dự án CCN Quang Trung (huyện Thống Nhất) ngày 13-12-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhấn mạnh, việc đầu tư CCN cần bám sát chủ trương chung của tỉnh. Vấn đề quan trọng là di dời nhà máy trong khu dân cư, chủ động phòng ngừa ô nhiễm trong tương lai. Do các vấn đề đặc thù nên khi đầu tư hạ tầng CCN cũng có những khó khăn nhất định, cần phải có giải pháp, chính sách hỗ trợ và minh bạch hóa để DN tiếp cận, nghiên cứu. Nếu không tính toán hợp lý, mục tiêu thu hút đầu tư phát triển CCN rất khó thực hiện và cần phải tính toán lại để có hướng đi phù hợp hơn.
Văn Gia