Năm 2024, toàn cầu đã qua đỉnh lạm phát nhưng kinh tế thế giới sẽ không tốt bằng năm 2023. Các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của Việt Nam. Để rõ hơn về cơ hội, thách thức trong phát triển kinh tế của năm 2024 và 2025, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực. Ảnh: Khánh Minh |
Năm 2023, Việt Nam vào tốp 5 các quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng khả năng kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước. Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực. Lợi thế này giúp cho thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu tăng cao.
Nhận diện những thách thức
* Thưa ông, năm 2024, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức và rủi ro nào từ bên ngoài và trong nước?
– Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt khoảng 2,4%, thấp hơn 0,2% so với năm 2023. Trong đó, 2 nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc phục hồi chậm. Đây là 2 thị trường giao thương lớn nhất của Việt Nam nên sẽ có những ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp, gần đây là xung đột ở khu vực Biển Đỏ đã khiến cho việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam gặp trở ngại, cước phí tăng từ 2-4 lần, thời gian vận chuyển kéo dài thêm 1-3 tuần. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, lạm phát và lãi suất dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đồng thời, rủi ro về an ninh năng lượng, lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu gây ra các thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Ở trong nước, giải ngân vốn đầu tư công chưa có đột phá, DN còn gặp nhiều khó khăn về pháp lý, tài chính, chi phí đầu vào, đơn hàng… Cơ cấu lại DN nhà nước, tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức, thị trường trái phiếu DN và bất động sản còn nhiều rủi ro, cần có thời gian để xử lý. Thể chế cho những lĩnh vực mới còn chậm ban hành.
* Vậy có giải pháp nào cho DN Việt trước tình hình trên?
– Năm 2024, tuy tình hình kinh tế còn nhiều rủi ro, nhưng dự báo ở Việt Nam, sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, GDP tăng 6-6,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp có thể tăng 10-12%; xuất khẩu tăng 5-7%; vốn DN nước ngoài đăng ký 38-40 tỷ USD, tăng 5-8%… Đó là những tín hiệu tích cực để các DN yên tâm hơn trong việc tái cơ cấu, tìm hiểu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn, dài hạn.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do nhưng nhiều thị trường chưa khai thác tốt. Do đó, các DN có thể nghiên cứu, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác hết các lợi thế, ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu giảm ở thị trường này thì có thị trường khác bù lại. Đồng thời, DN cần thay đổi phương thức sản xuất, xúc tiến thương mại phù hợp với yêu cầu của từng thị trường. DN chú ý theo dõi các biến động về chính trị, quy định mới của các nước sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình để có phương án điều chỉnh phù hợp.
Nhìn rõ các triển vọng để phát triển
* Ông có thể cho biết thêm về những triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?
– Các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 là công nghiệp và dịch vụ phục hồi tốt hơn so với năm trước. Xuất khẩu, tiêu dùng tiếp tục đà phục hồi nhanh hơn. Đầu tư công, đầu tư tư nhân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh. Cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, điều này được thể hiện qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Theo tiến sĩ CẤN VĂN LỰC, có khoảng 70% khủng hoảng kinh tế đến từ bất động sản. Năm 2024, nguồn vốn lĩnh vực bất động sản cần đáo hạn là 80-90 ngàn tỷ đồng, thấp hơn năm 2023. |
Lạm phát tại Việt Nam tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản ổn định; thị trường chứng khoán, bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ đang cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho các DN, cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh.
* Theo ông, Quốc hội, Chính phủ đã và đang làm gì để thúc đẩy kinh tế tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực?
– Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chính sách tài khóa “mở rộng, trọng tâm” như: giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, trước bạ… Chính sách tiền tệ thì linh hoạt, nới lỏng (4 lần giảm lãi suất, cho phép cơ cấu lại nợ, cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, xuất khẩu…) nhằm hỗ trợ người dân, DN bị tác động bởi suy giảm kinh doanh, việc làm, thu nhập. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vốn, du lịch, đầu tư công. Tổ chức gặp các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, hiệp hội DN để lắng nghe, cùng tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn. Hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, bất động sản được đẩy nhanh việc hoàn thiện các thể chế để tạo điều kiện phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.
* Gần đây nhiều DN Việt than phiền thiếu các dự báo dài hạn về tình hình kinh tế trong nước, thế giới đến năm 2030. Việc này gây trở ngại cho DN trong xây dựng kế hoạch phát triển trung và dài hạn. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
– Với tình hình toàn cầu như hiện nay, các chuyên gia kinh tế thế giới và Việt Nam rất khó dự báo dài hạn, bởi có những vấn đề thay đổi đột xuất rất khó dự báo chính xác từ trước như: dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai. Đơn cử như dịch bệnh Covid-19, căng thẳng Nga – Ukraine, xung đột ở Biển Đỏ. Vì thế, DN phải tái cơ cấu, nâng tầm, linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh.
* Xin cảm ơn ông!
Khánh Minh (thực hiện)