Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ là 3 trụ cột chính trong phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Điều này được nêu rõ trong quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng Đông Nam Bộ đã đưa ra các giải pháp để phát triển 3 trụ cột trên theo hướng bền vững nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bài 1: Cơ cấu lại ngành công nghiệp tăng sức cạnh tranh
Đông Nam Bộ (ĐNB) gồm 6 tỉnh, thành phố, có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng ĐNB đóng góp khoảng 1/3 GDP và chiếm hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng đang được các địa phương cơ cấu lại theo hướng xanh để tăng sức cạnh tranh.
Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất xanh. Ảnh: Khánh Minh |
Với trọng trách đi trước trong phát triển các ngành công nghiệp, hiện nay các địa phương trong vùng đang tái cơ cấu nền kinh tế, hướng đến sản xuất hiện đại, xanh hóa sản xuất theo quy chuẩn quốc tế. Trong quá trình đó, vùng ĐNB rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ và tạo động lực cho phát triển.
* Đi đầu về phát triển công nghiệp
Vùng ĐNB có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây cũng là vùng có tốc độ phát triển nhanh, đi đầu trong phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Hàng chục năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước tập trung đầu tư tại ĐNB. Điều này đưa các địa phương nơi đây trở thành đầu tàu trong thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu là tứ giác kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước.
Việc ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ của những tỉnh, thành trong vùng tứ giác kinh tế này đã giúp cho Việt Nam giảm được nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đều nằm trong vùng ĐNB như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị…
Đồng Nai được xem là cái nôi phát triển khu công nghiệp. Chính các khu công nghiệp đã trở thành địa điểm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển, giúp Đồng Nai trở thành vùng kinh tế phát triển năng động hàng đầu của cả nước. Từ chỗ chỉ có một khu công nghiệp duy nhất trước ngày giải phóng, đến nay tỉnh Đồng Nai đã có 33 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 31 khu được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp của Đồng Nai đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ và lấp đầy trên 85% diện tích đất cho thuê.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện công nghiệp vùng ĐNB phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng thấp; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi trong những ngành chủ lực. Vì thế, ĐNB phải cơ cấu lại ngành công nghiệp để trở thành trung tâm công nghiệp xanh của cả nước. |
Vùng có Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò, vị trí đầu tàu động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của quốc gia và khu vực Ðông Nam Á. Tỉnh Bình Dương đi sau về phát triển khu công nghiệp nhưng tốc độ phát triển rất nhanh chóng, hiện nay Bình Dương đã vươn lên đứng thứ 2 toàn vùng sau Thành phố Hồ Chí Minh về giá trị xuất khẩu cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bình Dương cũng là tỉnh rất năng động trong việc liên kết, phối hợp với các đơn vị, tổ chức thế giới trong quảng bá hình ảnh, đưa địa phương trở thành một trong những thành phố phát triển toàn cầu.
Tương tự, Bà Rịa – Vũng Tàu bên cạnh phát triển công nghiệp truyền thống thì gắn kết với các ngành nghề dịch vụ cảng, phục vụ xuất nhập khẩu và công nghiệp dầu khí. Bình Phước, Tây Ninh cũng đang phát triển mạnh về công nghiệp khi các tuyến giao thông kết nối, hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ thời gian qua.
Mặc dù đi đầu trong phát triển công nghiệp song hiện nay, sau nhiều năm chạy đua, vùng ĐNB đang tồn tại nhiều điểm nghẽn. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vùng ĐNB có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là công nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, các động lực tăng trưởng đang giảm dần và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hành lang kinh tế, tiểu vùng động lực chưa rõ nét. Công nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này dẫn đến sức ì trong phát triển, cần một luồng gió mới từ chủ trương chính sách của Nhà nước để thúc đẩy động lực tăng trưởng.
* Tái cơ cấu để phát triển bền vững
Ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, ĐNB sẽ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Năm 2045, ĐNB trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia |
Việc tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành công nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng để mỗi địa phương trong vùng hướng tới sự phát triển bền vững.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, nền kinh tế bền vững dựa trên nền tảng công nghiệp sản xuất. Bởi nền tảng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu phục vụ người tiêu dùng, tránh nguy cơ bị phụ thuộc. Hiện nay, thành phố hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất.
Tuy vậy, ngành công nghiệp sản xuất của thành phố đang bị lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tỷ trọng thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp. Điều này không chỉ xuất hiện trong từng cơ sở sản xuất của tư nhân mà còn biểu hiện ở cả những doanh nghiệp lớn đang sản xuất tập trung ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Do đó, điều cần thiết phải thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố trong việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp.
Tại Đồng Nai, theo Đề án Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh sẽ ở trong tốp đầu cả nước về công nghiệp công nghệ cao và là động lực tăng trưởng chính của kinh tế. Trong đó, tỉnh chú trọng vào công nghiệp hỗ trợ cho nhóm ngành giá trị cao trong nước và thế giới. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, chính sách của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên cho dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu trong thu hút đầu tư vào công nghiệp cũng lựa chọn kỹ để có những dự án chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh cho vùng.
Nhóm P.V
Bài 2: Ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái