Đầu năm 2024, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đã quay trở lại. Xuất khẩu tăng trưởng, đơn hàng từng bước đến nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và sự lạc quan vào hồi phục kinh tế cũng nhiều hơn.
Chuẩn bị nguyên liệu cung ứng cho đối tác tại Công ty CP Gỗ Lido (huyện Trảng Bom). Ảnh: Văn Gia |
Tuy nhiên, từ những biến động của thời gian gần đây, cộng đồng DN vẫn rất thận trọng về mục tiêu sản xuất, kinh doanh của mình.
* Vượt khó phục hồi sản xuất kinh doanh
Phục hồi biên độ sản xuất kinh doanh đang là nỗ lực của nhiều DN. Ông Nguyễn Duy Tiến, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Dụng cụ cơ khí và y tế VPIC Việt Phát (huyện Trảng Bom), chia sẻ DN là nhà cung ứng các loại máy móc thiết bị, vật tư công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu. DN đã xây dựng được hệ thống đối tác ở khắp cả nước, sản xuất hàng cho những đơn vị, tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nên vẫn giữ được nhịp sản xuất. Bên cạnh việc cung ưng máy móc, thiết bị, vật tư trong lĩnh vực cơ khí thì công ty cũng kinh doanh mảng vật tư, thiết bị y tế, dụng cụ chăm sóc sức khỏe…
“Chúng tôi đang trong quá trình mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm nhà máy và sắp tới sẽ nhập thêm một số máy móc để trình diễn ngay tại chỗ phục vụ quý khách hàng, đối tác tham quan” – ông Tiến chia sẻ.
Tại Công ty TNHH Gia công kim loại Ishikawa (thành phố Biên Hòa), DN đã có đơn hàng trở lại, đủ để đáp ứng trong 2 tháng nên việc sản xuất cũng đã dễ thở hơn. Theo đại diện công ty, ngành cơ khí thời gian vừa qua tương đối khó khăn. Thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều bị thu hẹp. Nguyên nhân là tình hình kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều xáo trộn, bất cứ DN nào cũng tính toán để tiết giảm chi phí. Hiện tại, triển vọng sản xuất đã khá dần lên, DN sẽ nỗ lực để khắc phục khó khăn, đảm bảo được tiến độ giao hàng cho đối tác.
Triển vọng tích cực đã đến nhưng nhìn chung tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Hai tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 ngàn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng lại có tới 63 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, mức độ khó khăn hơn và áp lực của DN không hề nhỏ. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, biến động địa chính trị, lạm phát… sẽ là những vấn đề mà DN cần hết sức lưu tâm.
* Thận trọng không thừa
Theo các chuyên gia, năm 2024, những khó khăn của nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài. Bên cạnh những vấn đề nội tại của nền kinh tế, tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ vẫn có khả năng tiếp diễn và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Năm 2024, ngành công thương sẽ tập trung phát triển ổn định thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó, có việc đẩy mạnh Phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. |
Kết quả kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III-2023 cho thấy, chỉ 1/3 số DN đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dù thị trường thế giới hồi phục nhưng DN trong nước không nắm bắt được cơ hội để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chung.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, yêu cầu lúc này là Việt Nam phải củng cố vững chắc nội lực của nền kinh tế trong nước, vực dậy sức khỏe của các DN để sẵn sàng cho một chu kỳ phát triển mới.
Về phía các DN, ông Hoàng Đình Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hùng Yến (thành phố Biên Hòa), cho hay sức tiêu thụ trên thị trường vẫn chậm, chưa phục hồi được hoàn toàn. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc tìm kiếm thêm khách hàng mới thì DN tập trung cho việc đầu tư chất lượng sản phẩm. Để tạo dựng thương hiệu, công ty cũng đã tích cực tham gia các hội nghề nghiệp ở địa phương. Thông qua các hoạt động tham quan, xúc tiến thương mại thì DN có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt thị trường cũng như có cơ hội hợp tác với các đối tác khác; tận dụng lợi thế, mua hàng chéo của nhau khi tình hình còn khó khăn.
Tương tự, đại diện một DN bất động sản nhận định, dù có dấu hiệu tháo gỡ nhưng thị trường bất động sản hầu như vẫn đóng băng. Các DN giai đoạn này cũng không dễ dàng để có thể vay vốn hoặc đủ tự tin tung ra các sản phẩm khác. Tồn kho bất động sản của các DN trong ngành vẫn lớn, cho thấy các tín hiệu hồi phục vẫn rất yếu. Tâm lý hiện nay vẫn là nằm im chờ thời hoặc tạm thời chuyển hướng hoạt động chờ cơ hội quay lại.
Văn Gia