Sau 49 năm ngày giải phóng (17-3-1975 – 17-3-2024), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Quán đã chung sức, chung lòng, chủ động khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế và phát huy nội lực để làm thay đổi diện mạo của địa phương.
Mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tại cánh đồng Bàu Kiên (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Ảnh: Hải Quân |
Tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Huyện Định Quán ngày nay không ngừng phát triển và “khoác” trên mình sức sống mới.
* Nông thôn mới – sức sống mới
Theo UBND huyện Định Quán, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Định Quán đã đạt được những thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đời sống, chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn được nâng lên. Đơn cử, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 84,5 triệu đồng, tăng 3 lần so với năm 2011 (27 triệu đồng). Giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp từ 89 triệu đồng vào năm 2011 đã lên mức 204,6 triệu đồng vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quy hoạch, có kế hoạch, có lộ trình thực hiện, từng bước đầu tư đồng bộ đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cũng như tiến độ xây dựng NTM của huyện. Cộng đồng dân cư có đời sống văn hóa được nâng cao rõ rệt, an ninh, an toàn đảm bảo. Diện mạo nông thôn thay đổi, sáng – xanh – sạch – đẹp hơn nhiều.
Đặc biệt, năm 2018, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Sau 5 năm phấn đấu, quyết tâm, đến nay huyện đã hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao…
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên chia sẻ, yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao của huyện là sự đoàn kết, thống nhất, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của người dân để quyết tâm thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Huyện đã gắn kết chặt chẽ kết quả phong trào thi đua xây dựng NTM với kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong huyện.
Ông Lê Hoàng, người dân ở khu phố Hiệp Lợi (thị trấn Định Quán) cho biết: “Quê hương Định Quán đã nhiều đổi thay, phát triển. Trường học khang trang, các thiết chế văn hóa được nâng cao. Đường giao thông hiện không còn đường đất đỏ mà đã được bê tông hóa hoặc rải nhựa, tạo thuận tiện trong việc đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn. Điều kiện kinh tế, các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ người dân được nâng cao rõ rệt”.
Tương tự, bà Phạm Thị Ánh Xuân (ngụ ấp Hòa Bình, xã Túc Trưng) bày tỏ, sau 49 năm ngày giải phóng, diện mạo của xã, của huyện đã có sự thay đổi rõ rệt. Đường sá khang trang, rộng rãi, nhà cửa đẹp hơn. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng đa dạng với các câu lạc bộ dưỡng sinh, các hình thức văn hóa, thể dục thể thao phong phú, sinh động…
* Phấn đấu trở thành huyện nông thôn hiện đại, đáng sống
Huyện đã huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ trong xây dựng NTM, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo được sự lan tỏa rộng rãi, nhận được sự đồng thuận cao và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên diện mạo nông thôn đổi mới ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Tại huyện Định Quán, phong trào xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu khá rộn ràng. Đơn cử như các phong trào: giảm nghèo bền vững; thắp sáng đường quê; nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, tuyến đường không rác, tổ tự quản an ninh, tổ phụ nữ 5 không, 3 sạch… |
Kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Công tác dân vận tiếp tục được đổi mới và đi vào chiều sâu, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, huyện Định Quán tiếp tục thực hiện đề án định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân theo hướng phát triển sản xuất quy mô hàng hóa nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà trọng tâm là xây dựng các vùng sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái, vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Đến nay, huyện Định Quán có 23 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được tỉnh công nhận. Trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 9 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao…
Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa) Đặng Tường Khanh cho biết, sản phẩm bột ca cao của công ty đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đang hướng tới phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Hiện nay, công ty chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đầu tư về công nghệ, phát triển kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch ở địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết thêm, với tinh thần xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; xây dựng NTM là thực hiện các mục tiêu phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, huyện Định Quán sẽ tiếp tục các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh Phong trào Toàn huyện chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
“Các địa phương trong huyện không được tự bằng lòng, thỏa mãn với thành tích đã đạt được, mà phải xem đây là cơ sở, động lực phấn đấu đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, hướng tới xây dựng, phát triển huyện Định Quán trở thành một huyện nông thôn hiện đại, đáng sống” – ông Trần Nam Biên nhấn mạnh.
Hải Quân – Lê Điểm – Đan Nhi