Phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) là hoạt động góp phần lan tỏa, nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT. Tuy nhiên, lực lượng làm công tác phê bình VHNT hiện còn “mỏng”, chưa tương xứng với sự sôi động của đời sống VHNT hiện nay.
Hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2023 do Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức mới đây tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: H.Yến
* Phê bình không tách rời đời sống VHNT
Theo PGS-TS Trần Khánh Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương: “Phê bình văn nghệ là một bộ phận không tách rời của đời sống văn nghệ, sinh thành cùng sáng tác văn nghệ. Hoạt động phê bình thể hiện chủ yếu trên 3 thao tác: phân tích, diễn giải và đánh giá về một đối tượng nào đó. Nhiệm vụ của phê bình văn nghệ là kịp thời phát hiện những hiện tượng văn nghệ cần được khuyến khích, khẳng định hoặc cần phê phán nhằm định hướng tư tưởng – nghệ thuật theo những giá trị tốt đẹp”.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình VHNT, thời gian qua, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lý luận, phê bình VHNT. Trong năm nay, hội đồng đã mở 2 lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình VHNT cho các cây bút trẻ với hơn 150 học viên; tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho cán bộ quản lý lĩnh vực VHNT và các nhà báo phụ trách mảng VHNT với hơn 500 học viên tham gia. |
Theo đó, phê bình văn nghệ quan tâm đến hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn nghệ. Đối tượng chủ yếu của phê bình văn nghệ là các hiện tượng văn nghệ đang diễn ra, nghĩa là đời sống văn nghệ đương đại, nhưng có lúc phê bình trở về nhận diện lại, đánh giá lại những hiện tượng văn nghệ trong quá khứ nhằm làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra trong hiện tại.
Xuất phát từ đặc điểm công việc và mục đích phê bình mà hình thành các bộ phận phê bình như: phê bình đại chúng, phê bình báo chí, phê bình hàn lâm, phê bình nghệ sĩ. Trong đó, phê bình báo chí gắn với hoạt động của báo chí, truyền thông và xuất bản. Hoạt động phê bình này đòi hỏi nhanh, nhạy, kịp thời giới thiệu, quảng bá hoặc phê phán các tác phẩm, tác giả mới xuất hiện nhằm định hướng tiêu dùng của công chúng.
Trong khi đó, phê bình hàn lâm hay chuyên nghiệp là đội ngũ những người có tri thức, có phương pháp phê bình, coi đây là một hoạt động chuyên môn, một sứ mệnh mà mình dấn thân đảm nhiệm… Các khuynh hướng phê bình góp phần bổ sung cho nhau, làm cho đời sống văn nghệ thêm phần sôi động.
Cùng quan điểm nêu trên, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương cho rằng, phê bình báo chí, phê bình hàn lâm là 2 mảng có sự tương tác, tương hỗ lẫn nhau. Trước mỗi sự kiện, hiện tượng VHNT, phê bình báo chí với đặc trưng nhanh, nhạy, kịp thời sẽ lập tức có các bài phê bình, phản ánh được đời sống sôi động của VHNT, góp phần làm lan tỏa tác phẩm đến công chúng. Tuy nhiên, vì nhanh nên thiếu thời gian để nghiền ngẫm, khiến phê bình báo chí có thể thiếu chiều sâu. Trong khi đó, phê bình hàn lâm giúp cho báo chí một cái nhìn đậm hơn, sâu hơn, khoa học hơn, minh triết hơn.
* Cần thêm đội ngũ phê bình VHNT
Phê bình VHNT trên báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, giới thiệu đến công chúng những tác giả, tác phẩm, hiện tượng VHNT có giá trị. Đặc biệt, với sự phát triển của các nền tảng số (trang web, kênh Youtube, Zalo, trang Facebook), các cơ quan truyền thông ngày càng tiếp cận được với đông đảo công chúng hơn, với thời gian nhanh hơn và dễ dàng chia sẻ hơn. Vì vậy, báo chí càng trở thành kênh thông tin quan trọng để lan tỏa tác phẩm VHNT.
Các chuyên mục văn hóa, văn nghệ trên báo chí cũng trở thành diễn đàn để các nhà phê bình, văn nghệ sĩ, công chúng cùng bàn luận, ngợi khen, phê phán… về những tác phẩm VHNT nổi bật. Thông qua đó, các văn nghệ sĩ, lực lượng sáng tác VHNT có thể nhìn nhận, soi chiếu lại chính mình; phát huy những ưu điểm và khắc phục hạn chế để nâng cao chất lượng tác phẩm, đáp ứng thị hiếu của công chúng.
Phê bình báo chí là một loại hình của phê bình VHNT nói chung và ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT hiện nay chưa thực hiện tốt chức năng đánh giá, hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác và định hướng tiếp nhận. Bên cạnh đó, lực lượng những người làm công tác phê bình VHNT hiện cũng còn thiếu nhiều. Vì vậy, việc thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT là nhiệm vụ đang được đặt ra.
Báo Đồng Nai rất quan tâm đến hoạt động quảng bá, phê bình văn học, nghệ thuật |
Để thực hiện được điều này, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đã đề ra nhiều giải pháp. Một trong những phải pháp hàng đầu là nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đào tạo các cây bút lý luận, phê bình VHNT trẻ, xây dựng đội ngũ chuyên gia ngành lý luận, phê bình VHNT đủ về số lượng, mạnh về chất lượng.
Tác giả LÊ PHAN HIẾU ANH (Hội viên Hội VHNT Đồng Nai): Nâng cao tính phê bình trên mảng văn hóa – văn nghệ của báo chí
Những bài viết trong mảng văn hóa – văn nghệ đăng trên Báo Đồng Nai thời gian gần đây đã phong phú, đa dạng hơn về hình thức, thể loại; với nội dung ngày càng sâu sắc, chân thực; góp phần lan tỏa những thành quả lao động nói chung, trong đó có các tác phẩm VHNT đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Trong đó, những tác phẩm được đăng tải trên Đồng Nai cuối tuần có thể xem là “sân chơi chung” giúp tôi cũng như nhiều thế hệ tác giả Đồng Nai giao lưu, học hỏi lẫn nhau; qua đó cũng giúp độc giả thưởng thức, thấu hiểu và có những đánh giá bước đầu dưới góc nhìn đại chúng về dòng chảy văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay.
Là người viết trẻ, bản thân tôi thật sự mong muốn hoạt động phê bình cần được đẩy mạnh, nâng cao cả về chất và lượng. Bởi có phê bình là có phản biện, có phản biện và cùng nhìn nhận lại, đánh giá lại thì chất lượng và giá trị tác phẩm mới ngày càng được nâng tầm; “tuổi thọ” tác phẩm sẽ bền vững và đi sâu vào lòng công chúng, độc giả hơn.
Nhà phê bình/người phê bình có thể tìm ra ưu điểm và một số hạn chế về giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của một tác phẩm; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị một số hướng phát triển tác phẩm dưới lăng kính cá nhân nhưng cũng tránh cực đoan hóa; đồng thời, kết hợp với lý luận về VHNT phù hợp với thể chế, chủ trương, pháp luật tại Việt Nam. Khi đó, một bài viết, một công trình phê bình xuất hiện trên báo chí mới phát huy được giá trị của mình.
Nhà văn TRẦN THU HẰNG, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai: Cần quan tâm đến bản quyền, nguồn gốc tác phẩm VHNT
Báo Đồng Nai rất quan tâm, thông tin, tuyên truyền về mảng VHNT ở tất cả các loại hình và có sự ưu ái trong giới thiệu tác phẩm của các tác giả địa phương. Vì vậy, báo đã có nhiều bài giới thiệu về tác giả, tác phẩm phong phú và chất lượng.
Nhìn chung, mảng VHNT đang nở rộ trên các báo địa phương và cả trung ương. Kể cả các tờ ít liên quan đến văn nghệ cũng thường xuyên giới thiệu các tác phẩm văn, thơ, truyện ngắn. Đây cũng là những thể loại đang được quan tâm và giới thiệu nhiều. Tuy nhiên, báo còn thiếu những tác phẩm thuộc thể loại trích đoạn tiểu thuyết, hồi ký, du ký thì chưa được khai thác. Tôi cho rằng, các báo nên quan tâm mảng này. Bên cạnh đó, báo cần quan tâm đến vấn đề bản quyền, nguồn gốc tác phẩm, bởi đôi khi có nội dung còn bị “xào nấu”.
Tường Vi (ghi)