Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý trong quy hoạch này là tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) chiếm 80-85% vào năm 2050.
Dự án Thủy điện Trị An đang đầu tư mở rộng. Ảnh: H.LỘC |
Việc chuyển sang NLTT là giải pháp để Việt Nam thực hiện các cam kết với quốc tế về môi trường và khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển bền vững.
Xu hướng chung của thế giới
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Một trong những điểm đáng chú ý của quy hoạch là dịch chuyển từ năng lượng sơ cấp (than, dầu thô, khí) sang NLTT (gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, chất thải). Cụ thể, quy hoạch đặt mục tiêu tỷ trọng NLTT trong cơ cấu năng lượng tăng từ 15-20% năm 2030 lên khoảng 80-85% năm 2050. Năm 2030, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch tại Bắc bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu NLTT của khu vực; các địa phương có lợi thế đều có trung tâm NLTT.
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương xây dựng trình Chính phủ ban hành, tỉnh được phân bổ “gói” NLTT đến năm 2030 là 600MW. Trong đó, thủy điện 321MW, ĐMT áp mái 229MW, điện sinh khối và điện rác 50MW.
|
Có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình NLTT khác như điện mặt trời (ĐMT), điện gió trên bờ. Phát triển năng lượng sinh khối, mặt trời tại các khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tập trung. Phát triển các loại nhiên liệu sinh học phục vụ giao thông, sản xuất điện.
Trước quy hoạch này, tháng 5-2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với nội dung ưu tiên phát triển NLTT.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu tỷ lệ điện tái tạo đạt khoảng 31-39% năm 2030 và đạt 67,5-71,5% vào năm 2050. Hàng loạt giải pháp được đưa ra trong đó có phát triển ĐMT trên mái các công trình xây dựng phục vụ nhu cầu tại chỗ. Đầu tư phát triển lưới điện phục vụ yêu cầu truyền tải và tiêu thụ NLTT. Tận dụng các nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất điện, chẳng hạn rác thải, sinh khối (mùn gỗ, bột giấy…).
Như vậy, cả 2 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực năng lượng do Chính phủ ký ban hành trong tháng 5 và 7-2023 đều ưu tiên phát triển NLTT. Điều này cho thấy quyết tâm, chiến lược của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với quốc tế về: Giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải mê-tan toàn cầu, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…; đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Đã và đang triển khai nhiều dự án
Việc chuyển năng lượng sơ cấp sang NLTT, đặc biệt là phát triển điện gió, ĐMT, điện rác vừa giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vô tận, giảm tác động xấu đến môi trường, khí hậu vừa là giải pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết như: hạn hán, El nino; cạn kiệt tài nguyên: than, khí và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất điện.
Theo định hướng của Chính phủ và Bộ Công thương, Đồng Nai đã, đang và sắp triển khai nhiều dự án NLTT phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và sinh hoạt.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, trong Quy hoạch điện VIII tỉnh có tên 3 dự án, trong đó có 2 dự án ĐMT trên hồ Trị An và 1 dự án điện rác. Bên cạnh đó, các dự án Chính phủ đã duyệt nhưng chưa triển khai sẽ tiếp tục. Thời gian tới, trên cơ sở “gói” công suất NLTT được phân bổ trong Quy hoạch điện VIII, Sở Công thương sẽ thẩm định các hồ sơ dự án, trình UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai.
Chia sẻ về NLTT từ rác thải, Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, bình quân mỗi ngày tỉnh phát sinh khoảng 2,1 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt và gần 1,9 ngàn tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường. Để tận dụng nguồn tài nguyên, Sở tham mưu UBND quy hoạch 4 dự án đốt rác phát điện. Cụ thể chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện tại 4 khu xử lý chất thải hiện hữu là: Túc Trưng, Bàu Cạn, Quang Trung, Vĩnh Tân với tổng khối lượng rác giai đoạn đến năm 2025 là 2.450 tấn/ngày tương ứng công suất phát điện khoảng 61MW và đến năm 2030 là 3.050 tấn/ngày, tương ứng công suất phát điện khoảng 76MW.
Ngoài dự án đã được đưa vào các quy hoạch, Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu lắp đặt ĐMT mái nhà để giảm chi phí tiền điện, để gia tăng lợi thế cạnh tranh và đáp ứng tiêu chí “xanh” của đối tác.
Ông Phan Tấn Học, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty đang triển khai lắp đặt hệ thống ĐMT công suất 9,3 ngàn kWp (công suất đỉnh) tại 4 nhà xưởng trên địa bàn Đồng Nai. Công ty mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ, có hướng dẫn cụ thể để sớm hoàn thành lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống điện này. Đây cũng là một hoạt động đồng hành với Chính phủ, ngành điện của Taekwang Vina.
Hoàng Lộc
.