UBND tỉnh vừa quyết định duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật bảo quản, tu bổ di tích công trình: Bảo quản sơn son thếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ di tích đình Phước Lộc, đình Phước Nguyên (huyện Long Thành).
Di tích đình Phước Lộc được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2007 (Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 30/7/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai).
Đình Phước Lộc là một công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống của dân tộc còn bảo lưu những nét tiêu biểu có tính chất chuẩn mực, quy mô và kiến trúc kiểu thức ngôi đình làng Nam Bộ thế kỷ thứ XVIII-XIX. Đó là kiểu nhà chữ Tam với bộ khung vì kèo làm bằng gỗ quý, có kết cấu chắc khỏe, có tính năng chịu lực cao, không rườm rà, ít sơn phết.
Những nét trang trí, chạm khắc ở đình Phước Lộc làm tăng thêm vẻ đẹp mộc của kiến trúc. Các tác phẩm gỗ chạm khắc tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao thể hiện sự tài hoa của người thợ mộc địa phương vừa giỏi phần kiến trúc, vừa tài phần chạm khắc. Bố cục đơn với những khuôn hình trọn vẹn, bố cục đồng bộ với những hoạt động cùng bung ra mà không chèn ép, che lấp nhau. Đề tài đôi khi có cảnh lao động như: Người nông dân vác cày dắt trâu ra đồng, quan trạng về làng, nhưng phần lớn là tứ linh, tứ quý, bát bửu, long hổ, mây hạc, hoa lá triền chi, hình ảnh Phúc – Lộc – Thọ cũng đuợc biểu trưng bằng hình hoặc chữ nghĩa rất đa dạng và độc đáo. Kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, đắp nổi… trang trí trên các đồ thờ như: Hương án, bàn thờ, bài vị, hoành phi, liễn đối, phù điêu… rất cầu kỳ, sơn son thếp vàng khiến đồ thờ vừa mang tính chất thiêng, đẹp, cao quý, sống động vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Di tích đình Phước Nguyên được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2009 (Quyết định số 4956/QĐ-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai).
Đình Phước Nguyên là cơ sở tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng và các vị phúc thần của làng Phước Đức, Phước Nguyên xưa và xã An Phước, huyện Long Thành ngày nay. Đình Phước Nguyên nằm trong hệ thống đình làng Nam Bộ được tạo dựng khá sớm, khoảng đầu thế kỷ XIX, triều vua Gia Long. Sự tồn tại của đình Phước Nguyên góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai 325 năm và sự hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân Việt ở vùng đất Phước Đức, Phước Nguyên xưa và xã An Phước, huyện Long Thành ngày nay. Nơi đây còn mang bản sắc văn hóa riêng, phản ánh ước mơ, khát vọng của cư dân Việt thời mở cõi thể hiện ở nội dung các hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ treo trong đình. Đây là những giá trị di sản văn hóa phi vật thể được trao quyền, bảo tồn, lưu giữ trong tâm thức nhiều thế hệ người dân Việt ở làng Phước Đức, Phước Nguyên và xã An Phước, huyện Long Thành ngày nay.
Trải qua thời gian dài tồn tại cùng với điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên các hoành phi, bảng chữ thờ tại các di tích đã bị xuống cấp. Vì vậy, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng các hiện vật đã xuống cấp là cần thiết. Bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng tại hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ tại 02 di tích: Đình Phước Lộc và đình Phước Nguyên nhằm tránh sự hư hỏng tiếp theo, kéo dài tuổi thọ cho các hiện vật tại di tích. Hiện vật sau khi được bảo quản, phục hồi sẽ góp phần nâng cao giá trị, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tham gia tích cực vào việc phát triển du lịch văn hóa địa phương, tăng thêm tính phong phú và đa dạng các loại hình di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật ở tỉnh Đồng Nai./.
Trần Nhung