Tỷ USD vào các lĩnh vực quan trọng
Gần cuối tháng 8 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã có buổi tiếp đại diện Tập đoàn Sumitomo đến từ Nhật Bản. Một trong những nội dung được đề cập là Sumitomo nghiên cứu kỹ lưỡng để quyết định đầu tư một dự án khu công nghiệp (KCN) với quy mô từ 300ha trở lên.
Sumitomo Corporation thành lập năm 1919. Doanh nghiệp toàn cầu này có vốn chủ sở hữu 26,6 tỷ USD, với hàng trăm công ty con và công ty liên kết trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Sumitomo thành lập KCN Thăng Long từ năm 1997, sau đó mở rộng thêm KCN Thăng Long II tại tỉnh Hưng Yên, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng quy mô trên 1.012 ha và tổng vốn đầu tư 404 triệu USD.
Sumitomo cũng được biết đến là doanh nghiệp hợp tác với Tập đoàn BRG của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga để phát triển khu đô thị thông minh phía Bắc Hà Nội, tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD.
Tại Khánh Hòa, Sumitomo là chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, công suất 1.320MW, tổng vốn đăng ký 2,58 tỷ USD.
Trên thị trường tài chính, tầm ảnh hưởng lớn của NĐT Nhật là rất lớn. Các tập đoàn Nhật rót khoảng 6 tỷ USD làm cổ đông chiến lược 5 ngân hàng, nhiều công ty tài chính, bảo hiểm và fintech.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Sumitomo Life đã chi 360 triệu USD để nắm giữ hơn 22% tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và là cổ đông chiến lược của tập đoàn này. Sumitomo Life sẽ xem xét tăng đầu tư vào BVH trong thời gian tới.
Cuối tháng 3/2023, VPBank bán 15% vốn cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật và thu về 1,5 tỷ USD. Trước đó tháng 5/2022, VPBank và SMBC ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác kinh doanh trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Việt Nam.
Đây là một động thái tiếp theo của SMBC nhằm mở rộng sự hiện diện tại châu Á và củng cố ngân hàng số, một trong những mục tiêu trụ cột SMBC đặt ra.
Trước đó tháng 10/2021, SMBC để Công ty Tài chính SMBC Consumer Finance (một công ty con của tập đoàn này) mua lại 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE Credit).
Ngay từ cuối năm 2012, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) cũng đã chi 743 triệu USD mua 20% cổ phần Ngân hàng VietinBank (CTG). Đây cũng là cú huých giúp VietinBank tăng trưởng vượt bậc và từng là ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất và cơ cấu cổ đông mạnh nhất Việt Nam.
Trước đó, tại Vietcombank (VCB), tháng 9/2011, Ngân hàng Mizuho của Nhật bỏ ra hơn 567 triệu USD mua 347 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn tại VCB. Năm 2019, Mizuho tiếp tục mua thêm cổ phần Vietcombank để duy trì tỷ lệ này.
Bên cạnh đó, Mizuho và một nhóm nhà đầu tư đã rót 200 triệu USD vào M_Service, đơn vị chủ quản ví điện tử Momo. SoftBank của Nhật cùng GIC của Singapore đầu tư khoảng 200 triệu USD vào VnLife, công ty mẹ của ứng dụng Vnpay.
Trước đó nữa, Daiwa Securities đầu tư vào Chứng khoán SSI năm 2008. SBI Holdings đầu tư vào TPBank năm 2010. Hiện số cổ phần này có trị giá hàng trăm triệu USD. Một thành viên của SBI Holdings cũng đang sở hữu hơn 24% vốn của Chứng khoán FPTS.
Hơn ‘thập kỷ shopping’, người Nhật sở hữu loạt thương hiệu Việt
Có thể thấy, phần lớn cổ đông chiến lược của các ngân hàng Việt Nam là tập đoàn tài chính Nhật Bản. Nhiều năm qua, lĩnh vực tài chính ngân hàng luôn là điểm đến hấp dẫn cho các NĐT đến từ “đất nước mặt trời mọc”. Các ngân hàng là một trong các tổ chức hút mạnh nhất dòng vốn tỷ USD của đại gia Nhật vào Việt Nam.
Thương vụ chi 1,5 tỷ USD mua 15% vốn VPBank và gần 1,4 tỷ USD mua 49% vốn FE Credit của SMBC cho thấy các NĐT Nhật tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam. Họ đánh giá rất cao giá trị các doanh nghiệp Việt.
Hiện, các tập đoàn tài chính Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của nhiều ngân hàng và công ty tài chính bảo hiếm khác như: OCB, HD Saison hay MCredit…
Gần đây, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG của Nhật Bản.
Tập đoàn ENEOS Corporation đến từ Nhật Bản cũng chi tiền “khủng” để mua và hiện nắm giữ hơn 169 triệu cổ phần PLX, tương đương gần 12,6% cổ phần của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX). Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam (công ty con của ENEOS) đang nắm giữ hơn 103 triệu cổ phiếu PLX, tương đương gần 7,7%..
Không chỉ tài chính ngân hàng và dầu khí, người Nhật cũng mua và sở hữu hàng loạt thương hiệu Việt hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực từ dược phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang…
Tại Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC ký kết hợp tác với Tập đoàn AEON (Nhật Bản). Trong nhiều năm qua, AEON mở nhiều đại siêu thị ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong quá khứ, AEON đã mua siêu thị Citimart.
Giới đầu tư cũng chứng kiến Eath Chemical mua nhà sản xuất thương hiệu tẩy rửa Gift – Á Mỹ Gia. Sojitz của Nhật mua Giấy Sài Gòn, trong khi Taisho mua Dược Hậu Giang (DHG). Maruha Nichiro mua lại Saigon Food…
Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, nhiều công ty Nhật Bản quan tâm và cân nhắc kế hoạch chuyển một phần chuỗi sản xuất sang Việt Nam.
Hôm nay 21/9, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản được nhận định hiện ở giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và nâng lên một tầm cao hơn nữa. Việc cố Thủ tướng Abe Shinzo cũng như Thủ tướng Kishida Fumio chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức, cũng như việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản sau khi Thủ tướng Kishida Fumio nhậm chức (hồi năm 2021) là minh chứng rõ nét nhất chứng tỏ sự trọng thị hai bên dành cho nhau. Hiện, Nhật xếp thứ 2 trong số các quốc gia đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam (sau Hàn Quốc), với vốn đăng ký khoảng 69 tỷ USD tại hơn 5.000 dự án. Bên cạnh đó, trong thập kỷ qua, các doanh nghiệp Nhật đã rót cả chục tỷ USD để mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. |