Hơn 7.000 tỉ trái phiếu đổ về mỏ Núi Pháo
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2023, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã phát hành 6 lô trái phiếu ra công chúng.
Theo đó, ngày 25.5.2023, Công ty Núi Pháo phát hành 4 mã trái phiếu, gồm: NPMCB2328004 với giá trị huy động 610 tỉ đồng; mã trái phiếu NPMCB2328001 có giá trị 640 tỉ đồng; mã NPMCB2329003 giá trị 630 tỉ đồng; mã NPMCB2328002 có giá trị 720 tỉ đồng. Tổng giá trị 4 lô trái phiếu nói trên là 2.600 tỉ đồng, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 25.5.2028.
Ngày 5.7.2023, trái phiếu mã NPMCB2328005 và NPMCB2328006 với tổng giá trị 2 lô là 1.000 tỉ đồng của Công ty Núi Pháo phát hành thành công. Cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 5.7.2028.
Trước đó, năm 2022, công ty này cũng phát hành 3 lô trái phiếu với tổng giá trị huy động 1.000 tỉ đồng. Trong đó, ngày 25.5.2022, phát hành mã trái phiếu NPMCH2227001, giá trị huy động 500 tỉ đồng; ngày 22.9.2022, mã trái phiếu NPMCH2227002 được phát hành, huy động 290 tỉ đồng; ngày 26.10.2022, mã trái phiếu NPMCH2227003, giá trị 210 tỉ đồng. Những lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào năm 2027.
Tính chung trong vòng hơn 1 năm, Công ty Núi Pháo đã huy động thành công tổng cộng 4.600 tỉ đồng qua phát hành trái phiếu.
Về phía CTCP Masan High-Tech Materials (mã CK: MSR), năm 2023, đơn vị này cũng phát hành 3 lô trái phiếu, gồm: MSRB2328001, MSRB2328002 và MSRB2328003 với tổng giá trị 3 lô là 1.500 tỉ đồng, các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 14.11.2028.
Năm 2021, Masan High-Tech Materials cũng phát hành lô trái phiếu 1.000 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 10.9.2024.
Như vậy, Masan High-Tech Materials và Công ty Núi pháo đã phát hành lượng trái phiếu với tổng giá trị 7.100 tỉ đồng trong giai đoạn từ 2021 – 2023.
Tiền Masan Group rót vào Núi Pháo tăng mạnh qua từng năm
Masan High-Tech Materials là đầu mối quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư và khai thác dự án Núi Pháo, đồng thời trực tiếp sở hữu tất cả các công ty con phục vụ cho hoạt động này, trong đó có việc sở hữu 100% Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.
Masan High-Tech Materials là công ty con do CTCP Tập đoàn Masan – Masan Group (Mã CK: MSN) sở hữu 86,4% vốn. Ban đầu Masan High-Tech Materials có tên gọi là Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), năm 2020 chính thức đổi tên thành CTCP Masan High-Tech Materials.
Sau thương vụ M&A mỏ Núi Pháo năm 2010, tổng tài sản của Masan Group gia tăng “chóng mặt”. Từ mức 7.017 tỉ đồng thời điểm kết thúc năm 2009 lên mức 21.129 tỉ đồng cuối năm 2010. Trong đó, tài sản trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của Masan đạt 7.016 tỉ đồng.
Những năm sau đó, tài sản trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của Masan tăng mạnh qua từng năm, đến năm 2013 đạt mức hơn 20.000 tỉ đồng.
Tài sản của toàn bộ lĩnh vực khai thác khoáng sản này đều là tài sản mà Masan đầu tư để phục vụ cho hoạt động khai thác mỏ Núi Pháo, thông qua việc sở hữu 86,4% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources).
Năm 2015, Masan Resources chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Công ty đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2014. Trong đó ghi nhận tổng tài sản thời điểm kết thúc năm 2014 đã lên tới 25.106 tỉ đồng, vượt qua con số 1 tỉ USD. Tổng tài sản của Masan Resources vẫn liên tục tăng mạnh những năm sau đó.
Tại thời điểm ngày 31.12.2023, quy mô tổng tài sản hợp nhất của Masan High-Tech Materials đã đạt 40.372 tỉ đồng.
Có thể thấy, Masan Group đã rót số tiền “khổng lồ” cho mỏ Núi Pháo. Tuy nhiên đến nay, “siêu dự án” này vẫn chưa tạo ra sự bùng nổ trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, thời gian gần đây, bức tranh tài chính tại Masan High-Tech Materials ghi nhận những gam màu tối và bộc lộ nhiều yếu tố kém tích cực.