Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội.
Đồng vốn nhỏ tạo giá trị lớn cho người dân nghèo thành thị (Bài 1) |
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương nhận định, TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn nhất của cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Hàng năm, Thành phố đóng góp trên 1/5 GDP và trên 1/4 thu ngân sách cho ngân sách quốc gia. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh là địa phương luôn tiên phong thực hiện thí điểm và đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và Thành phố nói riêng.
Để xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và kỳ vọng tạo điều kiện hơn nữa cho Thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
“Phát triển kinh tế phải gắn với tạo sinh kế, việc làm, thu nhập và giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong quá trình thực hiện xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội TP. Hồ Chí Minh trở thành văn minh, hiện đại, nghĩa tình” ” – ông Sơn nhấn mạnh.
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các Hội đoàn thể các cấp trên địa bàn Thành phố tiếp tục tuyên truyền quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40). Xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng. Ban Thường vụ Thành uỷ đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW |
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố nhận thức rõ về vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trong đó, cấp ủy và chính quyền địa phương các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, các tổ chức Hội đoàn thể đã thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác từ NHCSXH, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao.
Thời gian qua, Hội đoàn thể các cấp của Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trên địa bàn và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, làm tốt công tác bình xét cho vay, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu… góp phần đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Số liệu báo cáo của NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đến nay Thành phố đang thực hiện 08 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong đó có 04 chương trình được cho vay bằng nguồn vốn địa phương. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2015 đến ngày 30/6/2024 đạt 24.445 tỷ đồng, với gần 563.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 15.114 tỷ đồng, bằng 61,8% doanh số cho vay. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 11.470 tỷ đồng, tăng 9.426 tỷ đồng so năm 2014, với 194.283 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 59 triệu đồng, tăng 41,8 triệu đồng so năm 2014.
Người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, bao gồm nguồn vốn vốn Trung ương và địa phương dư nợ cho vay của chương trình đạt 8.029,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72,6% tổng dư nợ, với 138.204 khách hàng đang vay vốn. Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện đã góp phần quan trọng giúp cho trên 566.700 lượt lao động có việc làm, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố.
Ngoài ra, chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo được Ban giảm nghèo bền vững triển khai thực hiện cho vay trên địa bàn kể từ năm 1994. Đến nay, dư nợ chương trình đạt 1.671,2 tỷ đồng, tăng 1.455,3 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, chiếm tỷ trọng 15,1% tổng dư nợ, với với 33.690 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo các giai đoạn đang vay vốn, đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn thứ hai trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện. …
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trong thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền Thành phố luôn xác định tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt đây là một kênh tạo thêm nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy công bằng, bình đẳng trong xã hội. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH chi nhánh Thành phố đạt 12.193 tỷ đồng, tăng 9.955 tỷ đồng (gấp 4,5 lần) so với thời điểm cuối năm 2014.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH chi nhánh TP. Hồ Chí Minh luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm tạo điều kiện để phục vụ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hàng năm, bên cạnh nguồn vốn được hỗ trợ từ NHCSXH Việt Nam, Thành phố tiếp tục tập trung tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực của các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế trên địa bàn. Trong đó, luôn dành ưu tiên nguồn ngân sách Thành phố, quận, huyện và thành phố Thủ Đức ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo tiêu chí của Thành phố và cho vay giải quyết việc làm. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố” – ông Tiên phát biểu.
Hiện nay, để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với dịch vụ tài chính, tín dụng trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có uỷ thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị xã hội. Cụ thể như thành lập và chỉ đạo hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn theo nguyên tắc tự nguyện, giúp đỡ lẫn nhau, bình xét cho vay dân chủ và công khai hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, cùng NHCSXH đôn đốc thu hồi nợ; phối hợp với NHCSXH và chính quyền các cấp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ Hội làm ủy thác và Ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn…
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội. Vốn tín dụng NHCSXH TP. Hồ Chí Minh đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần hạn chế nạn tín dụng đen trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng của Nhà nước; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Nguồn vốn chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của Thành phố qua các giai đoạn. Cụ thể, từ giai đoạn 2014 – 2015 hộ nghèo từ 4,23% xuống 0,48%, hộ cận nghèo từ 2,53% xuống 1,69%. Đến giai đoạn 2021 – 2025 hộ nghèo giảm nhanh từ 1,49% xuống 0,33%, hộ cận nghèo từ 0,80% xuống 0,57%. |
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/do-ng-von-nho-tao-gia-tri-lon-cho-nguo-i-dan-nghe-o-tha-nh-thi-bai-2-158609.html