Nguồn vốn tín dụng đầu tiên và duy nhất của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) không chỉ giúp người dân huyện đảo Bạch Long Vĩ vượt nắng, thắng mưa mà còn góp phần phát triển kinh tế biển, đưa huyện đảo hòa cùng dòng chảy kinh tế của cả nước, tạo ra tiềm lực để xây dựng, phát triển đảo tiền tiêu hiên ngang, vững vàng giữ biển trời thiêng liêng của Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ.
Dòng vốn “ngọt” giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 1) Dòng vốn “ngọt” giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 2) |
Định hướng phát triển kinh tế mới
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi biển, đảo là phần máu thịt không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay,Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Chính vì vậy, những nỗ lực đưa được nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ra Bạch Long Vĩ là hoàn toàn đúng đắn để kinh tế huyện đảo hòa cùng dòng chảy kinh tế của cả nước. Mỗi người dân trên đảo là “cột mốc chủ quyền sống” của quốc gia trên biển nên đời sống kinh tế của họ được cải thiện, ổn định cả vật chất lẫn tinh thần, sẽ giúp họ yên tâm bám biển, bám đảo. Mặt khác, phát triển kinh tế biển ở Bạch Long Vĩ nói riêng và biển đảo nói chung một cách bền vững sẽ tạo điều kiện quan trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Vốn tín dụng chính sách hỗ trợ nhiều tiểu thương mở rộng kinh doanh trên đảo |
Theo đại diện UBND huyện Bạch Long Vĩ, tổng giá trị các ngành kinh tế tại huyện đảo liên tục tăng trưởng khá qua các năm, các ngành nghề dần hình thành và phát triển, tập trung cao vào khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác thủy sản, sơ chế thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng trọt rau màu, từng bước phát triển du lịch. Để có được kết quả trên, ông Nguyễn Công Diễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ khẳng định, nguồn vốn vay từ NHCSXH đã “tiếp sức” giúp bà con huyện đảo phát triển sản xuất kinh doanh, mua sắm ngư cụ; các tiểu thương buôn bán, kinh doanh nhỏ cũng như các hộ dân có nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt trên huyện đảo. Nhờ có nguồn vốn vay các hộ dân đã sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó ổn định sinh kế và yên tâm bám biển, bám đảo.
Hiệu quả này được nhìn thấy rõ tại khu dân cư số 2 – nơi được coi là “trái tim” kinh tế của đảo. Ông Nguyễn Sỹ Bắc, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu dân cư số 2 cho biết, tổ có 32 hội viên với tổng vốn vay 3,2 tỷ đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Bà con vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh với đa dạng ngành nghề dọc tuyến đường của khu dân cư, kinh tế ở đây nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, đất liền có gì khu phố này đều có. “Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, đời sống của nhiều gia đình trong khu tốt lên từng ngày, chúng tôi cũng vơi dần đi nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Già rồi, sống lâu ở đâu thì quen đó, điều kiện ở đảo cũng không kém gì đất liền thì tại sao phải về”, ông Nguyễn Sỹ Bắc vui vẻ nói.
Dân yên tâm bám đảo, bám biển thì vị trí chiến lược của Bạch Long Vĩ càng được củng cố, chủ quyền của quốc gia trên biển, đảo càng được khẳng định. Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo vừa qua (14/11), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Bạch Long Vĩ có vai trò là cửa ngõ, án ngữ kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, có vai trò là trung tâm hậu cần và trung chuyển cho các hoạt động quân sự trên biển, một tiền đồn kiểm soát an ninh trật tự trên biển. Tổng Bí thư đề nghị thành phố Hải Phòng, huyện Bạch Long Vĩ biến nơi đây trở thành pháo đài bảo vệ vùng biển, vùng trời ta trên vịnh Bắc Bộ; xây dựng Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên biển khu vực phía Bắc, phát triển nuôi trồng hải sản cao cấp, phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bảo tồn hệ sinh thái biển đảo. Đặc biệt phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Đời sống của người dân cần được cải thiện trên các mặt, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Quân, dân trên đảo Bạch Long Vĩ đoàn kết, phối hợp chặt chẽ xây dựng đảo tiền tiêu của Tổ quốc ngày càng giàu mạnh về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng an ninh.
Bổ sung nguồn lực cho nhiệm vụ mới
Từ thực tế tiềm năng, vị thế và lợi thế của Bạch Long Vĩ, những định hướng phát triển kinh tế mới nêu trên cần được nghiên cứu về kế hoạch và cách làm cụ thể để triển khai phù hợp. Đại diện Huyện uỷ Bạch Long Vĩ từng chia sẻ, kinh tế của người dân sinh sống trên đảo chủ yếu bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đối với du lịch, huyện đã thu hút được một lượng khách du lịch nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hòn đảo đặc biệt này. Thực tế cho thấy các cơ sở lưu trú trên đảo còn thiếu và yếu, các sản vật nổi tiếng trên đảo như bào ngư, hải sâm vẫn chưa được giới thiệu, quảng bá để nâng giá trị thương hiệu. Tour du lịch ra đảo cũng chưa được tổ chức bài bản nên khó thu hút khách ra đảo, càng khó giữ chân khách lưu trú dài ngày.
Nhằm hóa giải những khó khăn để triển khai những định hướng phát triển kinh tế Bạch Long Vĩ trong thời gian mới, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc NHCSXH TP. Hải Phòng cho biết, Chi nhánh đã chủ động nghiên cứu và định hình được phương hướng, nhiệm vụ cần phải làm. Chi nhánh sẽ chủ động tham mưu Thành phố bổ sung thêm nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tế mới trên huyện đảo. Trước mắt, Chi nhánh sẽ chủ động ưu tiên phân bổ nguồn vốn từ trung ương để hỗ trợ các đơn vị làm về du lịch nếu có nhu cầu phát triển các dịch vụ tại đảo, theo quy định hiện nay NHCSXH có thể giải ngân cho nhóm khách hàng này lên đến 1-2 tỷ đồng. Đối với sản phẩm có giá trị cao là bào ngư, ngân hàng đã cho vay đối với nhu cầu nuôi bào ngư thương phẩm và sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ vốn vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
NHCSXH giải ngân cho các hộ vay vốn trên đảo Bạch Long Vĩ |
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, quá trình thực hiện sẽ được hỗ trợ rất lớn từ hiệu quả của Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua. Nguồn lực mà Chỉ thị 40-CT/TW mang lại không chỉ là nguồn vốn tín dụng (vốn trung ương, vốn địa phương bao gồm thành phố, quận, huyện) mà còn có những yếu tố khác như giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội. Do đó, NHCSXH TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục tham mưu nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội tại Bạch Long Vĩ.
Âu cảng Bạch Long Vĩ có sức chứa lớn để tàu, thuyền đến neo đậu trong cùng một thời điểm |
Đồng thời, NHCSXH TP. Hải Phòng luôn sẵn sàng tạo điều kiện để người dân có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống, gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo và đối tượng chính sách, giảm dần sự trông chờ, lệ thuộc vào trợ cấp của nhà nước. NHCSXH TP. Hải Phòng cũng sẽ thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện tại những địa bàn đặc thù, theo đó nâng cao chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động của hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng điểm giao dịch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đối tượng chính sách.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dong-von-ngot-giua-trung-khoi-bach-long-vi-bai-3-158488.html