Mặc dù có khởi đầu với dòng vốn vào ròng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm, tuy nhiên kết thúc năm 2023, các quỹ ETF lớn tại Việt Nam đã ghi nhận tổng dòng vốn bị rút ròng lên tới 1.022 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Bá Khương – chuyên viên phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tính riêng tháng 12.2023, dòng vốn bị rút là gần 1.361 tỉ đồng. Trong đó phần lớn đến từ việc bị rút ròng của quỹ DCVFMVN Diamond ETF (bị rút ròng 1.159,2 tỉ đồng), quỹ VNFIN Lead ETF của SSIAM (bị rút ròng 557 tỉ đồng) và quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (bị rút ròng 131,5 tỉ đồng).
Ở chiều ngược lại, quỹ Fubon FTSE Vietnam và quỹ KIM Growth VN30 ghi nhận dòng vốn vào ròng tương ứng là 458,7 tỉ đồng và 33,8 tỉ đồng.
Đi vào chi tiết, trong năm vừa qua Fubon FTSE Vietnam ETF vẫn nổi lên nhờ đà mua ròng bất chấp nhà đầu tư nước ngoài nói chung vẫn đang miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cập nhật tới phiên ngày 8.1, quỹ này đã phát hành ròng 2 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 0,7 triệu USD. Lượng phát hành của Fubon ETF tương ứng khoảng 18 tỉ đồng và toàn bộ đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng hoạt động bán ròng trong tháng 12.2023 với giá trị bán ròng là hơn 10.096 tỉ đồng. Đây cũng là tháng ghi nhận giá trị bán ròng cao nhất trong năm 2023 của khối ngoại khi cao gấp gần 3 lần giá trị bán ròng trong tháng trước đó. Những mã bị họ bán ròng mạnh nhất trong tháng cuối năm bao gồm VHM, HPG, FUEVFVND, VNM, STB, VCB, VPB. Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng mạnh nhất là MWG, VHC, BID, NVL, NKG, CMG.
“Các nhà đầu tư Thái Lan đã đóng vai trò chính trong hoạt động bán ròng của khối ngoại trong tháng 12.2023. Thái Lan đã ban hành một luật thuế mới, trong đó từ ngày 1.1.2024 sẽ nâng thuế suất đối với thu nhập từ nước ngoài. Do đó các nhà đầu tư Thái Lan đã thực hiện bán và rút tiền về nước trước năm 2024 để tránh bị áp mức thuế mới này” – ông Khương lý giải.
Ngoài ra theo giới phân tích, nguyên nhân của động thái rút ròng còn đến từ chênh lệch lãi suất giữa đồng nội tệ và USD. Riêng với quỹ DCVFM VNDiamond ETF (bị rút ròng gần 3.700 tỉ đồng), nguyên nhân còn đến từ một số cổ phiếu đã hết dư địa giải ngân, doanh nghiệp niêm yết kinh doanh kém hiệu quả, cổ phiếu ngân hàng giảm sự hấp dẫn…
Theo chuyên gia từ SSI Research, về trung hạn, dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển. Tuy nhiên điều này thường sẽ chỉ xuất hiện sau khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất. Về ngắn hạn, sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam từ các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng từ những quy định/kế hoạch mới của Chính phủ nước này giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán nội địa.