Việt Nam hiện có hơn 4.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập, bao gồm nhiều trường quốc tế. Đây là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống giáo dục công lập, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của phụ huynh. Tuy nhiên, một số trường quốc tế – hoặc tự gắn mác quốc tế, dù học phí đắt đỏ, vẫn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý và vận hành, gây hoang mang và tổn hại cho phụ huynh, học sinh.

“Trường quốc tế” tự phong nợ lương giáo viên

Tại Hà Nội hồi đầu tháng 12, hàng loạt phụ huynh “Trường mầm non quốc tế Mỹ Rosemont” cơ sở Long Biên nhận tin nhắn từ giáo viên thông báo tạm nghỉ việc vì nhà trường nợ lương. 

Nhà trường xác nhận, chủ sở hữu cũ “ôm” 5-7 tỷ đồng học phí phụ huynh đã đóng, khiến đơn vị quản lý mới không đủ nguồn lực để vận hành. 

Theo UBND phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội), cơ sở mầm non này được cấp phép tháng 3/2023 với tên gọi “Nhóm lớp mầm non tư thục Núi Hoa hồng”, không phải “trường Mầm non quốc tế Mỹ Rosemont”.

Sau khi bị đình chỉ vài ngày, trường đã đón trẻ đi học lại và xin lỗi phụ huynh vì làm gián đoạn việc học tập của học sinh, đồng thời cho biết đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho giáo viên, nhân viên và các nhà cung cấp.

Trường quốc tế vướng tranh chấp đất đai, phụ huynh nháo nhác tìm trường khác cho con

Tại TPHCM, cũng trong tháng 12/2024, phụ huynh có con học tại Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) bàng hoàng khi biết trường bị cưỡng chế đất, phải dừng hoạt động tại cơ sở chính ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Trường này gồm hệ mầm non và tiểu học, với học phí khoảng 163-530 triệu đồng/năm, tùy độ tuổi. Nhiều gia đình đã đóng từ 0,5 đến 1,6 tỷ đồng học phí cho trường theo gói 3-5 năm nhưng không được hoàn trả. 

ngoi sao sa.jpg
Trường quốc tế ngôi sao Sài Gòn bị cưỡng chế thu hồi đất vì liên quan đến nợ nần. Ảnh: website trường

Vụ việc bắt nguồn từ tranh chấp pháp lý về đất đai của chủ trường khiến trường không được Sở GD-ĐT tiếp tục cấp phép hoạt động.

Tháng 10/2023, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh đang theo học tại đây, Sở cho phép trường duy trì hoạt động tại cơ sở chính đến 31/7/2025, nhưng không được tuyển mới. Thanh tra Sở cũng nhiều lần kiểm tra nhưng không thể lập biên bản vi phạm do đại diện trường không hợp tác.

Tháng 11/2024, phụ huynh chỉ biết về việc cưỡng chế khi thông báo được dán trước cổng trường. Trường thông báo chuyển sang cơ sở mới ở phường Hiệp Bình Phước, nhưng địa điểm này bị đánh giá sơ sài, không đủ điều kiện hoạt động. 

Hiện, Sở Giáo dục TPHCM hướng dẫn các quận, huyện, trường học tiếp nhận học sinh từ Saigon Star chuyển sang, tạo điều kiện để các em hòa nhập, ổn định học tập.

Trường khủng hoảng tài chính, phụ huynh và học sinh chịu trận

Vụ lùm xùm tốn nhiều giấy mực nhất liên quan tới cơ sở giáo dục ngoài công lập năm 2024 có lẽ là vụ việc tại trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN). 

truong quoc te My.jpg
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. Ảnh: B.D

Thành lập năm 2006 tại TPHCM, trường này từng có hơn 1.300 học sinh theo học chương trình tú tài quốc tế (IB) với học phí 280-725 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2023, trường đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, tới nỗi tháng 7/2023, nhiều phụ huynh đã tụ tập đòi nợ trường, và đỉnh điểm là tháng 3/2024 học sinh phải nghỉ học do giáo viên đình công vì không được trả lương.

Dù phụ huynh đã đóng gói tài chính trị giá 3.600 tỷ đồng, AISVN vẫn không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động, buộc phải kết thúc năm học sớm vào tháng 4/2024. 

Tháng 7/2024, trường bị Sở Giáo dục TPHCM đình chỉ hoạt động trong 12 tháng do không đáp ứng điều kiện tài chính và nhân sự. Đến cuối tháng 8/2024, hơn 300 học sinh chuyển trường, trong khi 700 em khác vẫn chưa ổn định nơi học mới.

Tới đầu tháng 11/2024, một số phụ huynh cho biết nhận được thư của Hội đồng Trường thông báo nhà trường dự kiến khai giảng trở lại vào 1/2025. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Sở Giáo dục cho biết chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào liên quan đến việc tổ chức hoạt động lại của trường này.

Trường “ẵm” 14 tỷ biến mất, hơn một năm sau phụ huynh vẫn ngóng tiền trả lại

Tới đầu năm 2024, nhiều phụ huynh có con từng học tại Trường TH, THCS, THPT Quốc tế Chồi Xanh Green Shoots International School (phường Cẩm Châu, TP Hội An, Đà Nẵng) vẫn thấp thỏm đợi được trường trả lại tiền đã nộp. 

choi xanh.jpeg
Trường quốc tế Green Shoots bất ngờ đóng cửa. Ảnh: S.X.

Trước đó, từ tháng 5 đến tháng 8/2023, Trường quốc tế Chồi Xanh đã tổ chức tuyển học sinh từ mẫu giáo đến THPT năm học 2023-2024, với học phí dao động 350-400 triệu đồng/năm. Tổng số tiền phụ huynh đã đóng trước khi vào năm học mới khoảng 14 tỷ đồng.

Tuy nhiên ngày 8/8, các phụ huynh tá hỏa nhận được thông báo rằng đã chuyển tất cả học sinh đang theo học tại trường qua trường APU ở TP Đà Nẵng. Khi phụ huynh liên hệ để nhập học cho con theo địa chỉ được cung cấp, phía cơ sở giáo dục tại Đà Nẵng từ chối với lý do họ không nhận được học phí từ trường Chồi Xanh.

Để kịp cho con vào năm học mới, phụ huynh vội vã đi tìm trường khác, đồng thời nộp đơn lên cơ quan công an tố cáo hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tới tháng 4/2024, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết vẫn đang điều tra vụ việc, nhưng chưa thể liên lạc với người điều hành và đại diện pháp lý của trường (cả hai đều mang quốc tịch nước ngoài) và phải đợi sự hỗ trợ tư pháp từ Anh và Australia. Cơ quan điều tra đã tạm giữ một phần tiền trong tài khoản của người liên quan để đợi trả lại cho phụ huynh, nhưng chỉ được khoảng 1/3 số tiền phụ huynh đã nộp cho trường.

Sở mời lên làm việc 4 lần nhưng trường quốc tế bị thu hồi đất không phối hợpLiên quan đến việc Trường quốc tế ngôi sao Sài Gòn đang hoạt động thì bị thu hồi đất, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đơn vị này đã 4 lần mời đại diện nhà trường lên làm việc để phối hợp giải quyết nhưng bất thành.