Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Phát biểu ý kiến gợi mở, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/4/2022 về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra yêu cầu phát triển vùng nhanh và bền vững, trong đó đặt ra yêu cầu cơ cấu lại dân cư, không gian, tổ chức sản xuất, các hoạt động khác liên quan khu vực.
Thủ tướng đánh giá Đồng Tháp bám sát Nghị quyết của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhưng yêu cầu mới đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy, không khép kín, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả, lâu dài, chuỗi sản xuất mới phù hợp tình hình.
Đồng Tháp bám sát Nghị quyết của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo Thủ tướng, phải đổi mới tư duy, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; tư duy đổi mới là có nguồn lực. Nêu rõ, qua khảo sát các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước việc tiến độ các công trình này được đẩy nhanh, Ban quản lý dự án, các đơn vị trưởng thành nhanh qua các dự án này, trong đó là nhờ sự phân cấp, phân quyền, giải quyết được nguồn nguyên vật liệu, do đó công trình càng sớm hoàn thành càng sớm đóng góp cho sự phát triển, tạo không gian phát triển mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng Tháp có truyền thống lịch sử hào hùng, là nơi đào tạo các cán bộ cho Trung ương. Do đó, tại buổi làm việc này, Thủ tướng mong tỉnh thảo luận kỹ về vấn đề tự lực, tự cường, đi lên từ nội lực; đánh giá sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tỉnh đã làm được gì, chưa làm được gì, bài học kinh nghiệm rút ra là gì? Sau đó, các bộ ngành cũng cho ý kiến đóng góp để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, nội dung công việc rất nhiều (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… ) yêu cầu phát triển thì cao, trong khi thời gian ngắn, phạm vi rộng, chất lượng đòi hỏi cao, do đó mong các đại biểu phát biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề chính với mục tiêu đưa Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững, bao trùm, đóng góp vào việc phát triển vùng.
* Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, về kết quả đạt được trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023: kinh tế phục hồi và tiếp tục phát triển ổn định: Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,62%, quy mô kinh tế đạt 100.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 34% so năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP tăng trưởng 5,89% (xếp thứ 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long), trong đó, khu vực nông-lâm-thuỷ sản tăng 5,38%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,53%; khu vực thương mại-dịch vụ tăng 6,48%. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện, giúp ổn định kinh tế. Các ngành hàng lúa gạo, thủy sản, xoài, hoa kiểng phát triển mạnh theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu thô đến các khâu chế biến tinh gia tăng giá trị nông sản gắn kết với thị trường.
Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 (hơn 3 triệu tấn mỗi năm); diện tích trồng xoài xếp thứ nhất (khoảng 14.000ha, sản lượng 137.000 tấn); sản lượng cá tra xếp thứ nhất (hơn 500.000 tấn, xuất khẩu qua 134 quốc gia, kim ngạch khoảng 900 triệu USD). Nông sản Đồng Tháp đã tiếp cận được các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số đã hình thành và phát triển mạnh ở Đồng Tháp, tạo ra những chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao. Cụ thể, đã có trên 357 sản phẩm OCOP, xếp thứ 3 cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Điểm nổi bật là Đồng Tháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 109/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 94,8% (trong đó có 15% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu cuối năm sẽ có 100% xã và 8/12 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra đến năm 2025).
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư: tỉnh đang tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, xem đây là mũi đột phá, từ đầu năm 2021 đã triển khai đồng loạt 23 công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung ương đã khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu vào ngày 25/6/2023 và đang phối hợp Bộ Giao thông vận tải để triển khai cao tốc Cao Lãnh-Mỹ An.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng Khu Cụm công nghiệp (đã thành lập 5 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp): hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều để đưa vào hoạt động trong cuối năm 2023; triển khai Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3); thành lập Cụm công nghiệp An Hòa, Quảng Khánh, thực hiện thủ tục thành lập mới Khu công nghiệp Ba Sao; hiện có 3 khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy 88,5%; có 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 85,3%…
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đồng Tháp cần tận dụng mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hạn chế mọi yếu kém, hóa giải mọi khó khăn, thách thức, phát huy những thành quả đạt được. Thời gian tới, nhiệm vụ, tỉnh phải đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực đặt ra: mục tiêu là xây dựng và phát triển Đồng Tháp nhanh, toàn diện, bao trùm, bền vững, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan hệ tốt với nước bạn Campuchia.
Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng với Đồng Tháp xây dựng tỉnh trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Thủ tướng tin tưởng Đồng Tháp sẽ làm được vì dựa vào những phân tích, đánh giá; tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, truyền thống lịch sử, văn hoá, điều kiện thực tiễn hiện nay; từ đó sẽ nhân rộng mô hình về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 6 vùng của Bộ Chính trị; vấn đề là biến Nghị quyết thành chương trình hành động, dự án, bố trí nguồn lực, con người… từ đó ra được sản phẩm cụ thể, “cân, đong, đo, đếm” được.
Tỉnh cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở, điều kiện thực tiễn của tỉnh với tinh thần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả.
Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; phát huy nội lực; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan hệ tốt với nước bạn Campuchia; mọi hoạt động phải hướng đến người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường đoàn kết, thống nhất.
Cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Về nhiệm vụ trọng tâm, phải làm tốt công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy mọi tiềm năng, hóa giải mọi khó khăn, thách thức, yếu kém, mâu thuẫn có thể phát sinh; quy hoạch phải tạo sự phát triển bền vững; phải giành những vị trí đẹp, thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó tạo việc làm, sinh kế người dân, tạo tiền đề phát triển khu đô thị, dịch vụ mới.
Thủ tướng gợi ý tỉnh cần nghiên cứu đầu tư một Cung triển lãm quy hoạch để tạo điều kiện để người dân giám sát quy hoạch, tạo điều kiện phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hoá… qua đó nâng tầm Đồng Tháp thông qua công trình này. Tỉnh cũng cần quan tâm chú ý phát triển thể thao, góp phần nâng cao thể lực, thể chất con người, từ đó mới phát triển bao trùm, bền vững.
Thủ tướng đề nghị tỉnh phải tạo ra động lực tăng trưởng mới, với Đồng Tháp thì cần làm tốt 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), trong đó, phải thúc đẩy đầu tư công; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường lưu thông tiền tệ trong sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, lúc này là ưu tiên cho tăng trưởng, do đó các ngân hàng phải dành nguồn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ, tư vấn, phát triển doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là cây sen có thể chế biến thành nhiều sản phẩm, phát triển các sản phẩm OCOP, phát huy các sản phẩm chủ lực, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo tỉnh tập trung bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, quy hoạch lại hệ thống kênh rạch; tái cơ cấu lại dân cư hai bên bờ sông, kênh rạch, phòng ngừa sạt lở, xâm thực; quy hoạch phát triển các cảng thủy nội địa. Phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử; quan tâm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm người dân có thể sống được bằng nghề của mình; bảo vệ rừng đặc dụng, giữ gìn đa dạng sinh học;
Chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tuỵ vì dân; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm quốc phòng an ninh; phòng, chống tội phạm; xây dựng khu vực vững chắc về an ninh quốc phòng, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về kinh tế quốc tế; huy động mọi nguồn lực để phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, lấy nguồn lực Nhà nước kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Nhandan.vn