Ngày 12/12, tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032.
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích là 7.313 hecta, là hệ sinh thái Đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa.
Vườn có hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim đặc hữu của vùng.
Đặc biệt, là sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và được cả thế giới quan tâm bảo vệ.
Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.
Do tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn và các tác động, nhiều nguyên nhân đã làm cho hệ sinh thái Tràm Chim bị thay đổi, có nhiều loài động vật, thực vật bị suy thoái, trong đó có quần xã năng kim (thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ) bị thu hẹp dần, thành phần loài thủy sản cũng bị suy giảm về số lượng, làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.
Ngoài ra, việc canh tác nông nghiệp quá mức hiện nay cũng phần nào làm thu hẹp môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày càng ít dần.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách.
Để hiện thực hóa ước mơ “Đưa đàn sếu trở về”, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”.
Thời gian vừa qua, tỉnh được sự giúp sức, chung tay của các tổ chức, cá nhân có tâm huyết trong và ngoài nước hỗ trợ tỉnh cùng xây dựng đề án trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm câu chuyện thành công từ chương trình bảo tồn sếu tại vương quốc Thái Lan.
Dự kiến trong 10 năm triển khai đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.
“Đề án sếu đầu đỏ sẽ giúp cho người dân và bạn bè gần xa, khi đến với Đồng Tháp có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của sếu đầu đỏ, để người dân càng yêu quý hơn loài chim này”, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp khẳng định.
Đến nay, đề án đã triển khai một số việc cụ thể, gồm: Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và ký kết biên bản thỏa thuận các hoạt động với đối tác của Thái Lan.
Triển khai một số chương trình phục hồi hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Tràm Chim và mô hình canh tác lúa sinh thái hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ xung quanh vùng đệm.
Xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ nuôi sếu và thực hiện các hoạt động công tác truyền thông; tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ chăm sóc.
Kết quả bước đầu, năm 2024 hệ sinh thái dần phục hồi theo đúng bản chất, đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập nước tự nhiên, nhiều loài chim đến trú ngụ với số lượng lớn, các loài thực vật quan trọng như năng kim và lúa ma cũng bắt đầu hồi phục, tạo môi trường sinh sống và nguồn thức ăn phong phú cho sếu đầu đỏ.
Sau chương trình công bố đề án, tỉnh sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Thái Lan để sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục cần thiết và thực hiện tiếp nhận các cá thể sếu đầu tiên theo thỏa thuận đã ký kết.
Sếu đầu đỏ với dáng vẻ kiêu hãnh, chiều cao đến 1,8m và có màu đỏ đặc trưng trên đầu. Đây là loài chim được coi là biểu tượng của hòa bình, may mắn và sự phát triển bền vững.
Sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất biết bay, hiện được xếp vào danh mục các loài dễ bị tổn thương.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dong-thap-no-luc-khoi-phuc-dan-seu-dau-do-cho-vuon-quoc-gia-tram-chim-192241212161435307.htm