Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Địa phương lúng túng trong áp dụng cơ chế đặc thù
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hồ Thanh Phương, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh đã cấp 14 giấy phép khai thác khoáng sản, tổng trữ lượng khai thác 6 tháng đầu năm là khoảng 972.000m3, trữ lượng còn lại khoảng 25 triệu m3.
Theo tính toán, nhu cầu cát năm 2023 của tỉnh gần 20 triệu m3. Riêng chuẩn bị cho dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Mỹ An – Cao Lãnh là khoảng 6,6 triệu m3, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025) khoảng 7 triệu m3.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã tăng 50% công suất khu mỏ 2A, 2B và giới thiệu 2 mỏ mới trên sông Tiền và sông Hậu với tổng trữ lượng dự kiến cung cấp cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau khoảng 1,9 triệu m3. Như vậy, còn thiếu khoảng 5,1 triệu m3.
Để đáp ứng bổ sung số lượng này, tỉnh đang rà soát một số mỏ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Theo ông Hồ Thanh Phương, hiện nay địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng cơ chế đặc thù, do đó cần được Trung ương hướng dẫn chi tiết. Ông cũng kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, cho ý kiến về 12 bước (quy trình, thủ tục) khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù được Sở căn cứ vào Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 18 của Chính phủ, Luật Khoáng sản và hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Ngoài ra, có một vấn đề địa phương vẫn băn khoăn là, đối với mỏ cát đã cấp cho 1 đơn vị khai thác, trữ lượng vẫn còn, nay muốn giao lại cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù thì thực hiện ra sao? Nếu tiếp tục cấp phép cho đơn vị cũ phối hợp với nhà thầu khai thác cung cấp có phù hợp hay không?…
Áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất khai thác mỏ
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị địa phương thực hiện ngay theo Nghị quyết 133 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù để nâng 50% công suất các mỏ đang khai thác, cung cấp ngay cho dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đối với các mỏ đã tạm dừng và hết hạn, địa phương rà soát, phân loại các mỏ để giao cho các nhà thầu của dự án hoặc cấp phép lại cho đơn vị cũ khai thác trữ lượng còn lại. Điều kiện ràng buộc là sản phẩm phải cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm và thời gian thực hiện các thủ tục phải ngắn nhất có thể.
Đối với các mỏ mới, địa phương thực hiện thủ tục xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác do nhà thầu nộp chỉ cần cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết thêm: “Chúng ta căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện. Thủ tục Bộ TN&MT hướng dẫn hiện nay đang rất gọn. Tôi tin rằng chỉ với việc nâng 50% công suất khai thác của các mỏ cát đang khai thác thì sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu vật liệu cát cho cao tốc”.
Rút ngắn thời gian tối đa để nhà thầu sớm khai thác cát
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ghi nhận sự hỗ trợ của tỉnh Đồng Tháp trong việc cung ứng cát cho dự án cao tốc trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng, hiện tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau nhiều đoạn đã được bóc hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật nhưng lại không có cát đắp nền, nên các công đoạn thi công tiếp theo bị gián đoạn. Trước tình hình trên, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tập trung quyết liệt thi công phần cầu, đào hữu cơ đối với mặt bằng được bàn giao sau.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các cơ chế đặc thù, Bộ TN&MT cũng có hướng dẫn cụ thể theo hướng rất đơn giản về thủ tục, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, đây là lần đầu áp dụng cơ chế đặc thù nên địa phương còn lúng túng, việc triển khai các thủ tục chưa đáp ứng tiến độ Chính phủ yêu cầu.
“Cơ chế đặc thù đã bỏ qua rất nhiều bước, nhà thầu chỉ cần đăng ký trữ lượng, phương pháp khai thác, thời gian… đảm bảo các vấn đề bảo vệ môi trường. Các việc này, hướng dẫn của Bộ TN&MT cũng đã nêu rõ. Tuy vậy, hiện nay theo như trình tự thủ tục mà tỉnh Đồng Tháp dự thảo để thực hiện việc khai thác thì lại mất khoảng 100 ngày, tức là khoảng hơn 3 tháng nữa mới có cát”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị Bộ TN&MT cho ý kiến về 12 bước thủ tục khai thác mỏ cát mà tỉnh Đồng Tháp đề xuất, rút ngắn thời gian tối đa để nhà thầu sớm thực hiện việc khai thác cát.
Bên cạnh việc mở các mỏ mới, Thứ trưởng cũng đề nghị địa phương xem xét nâng công suất các mỏ đang khai thác, cấp các mỏ bị tạm dừng nhưng còn trữ lượng.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương luôn ủng hộ và cố gắng hết mình để hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT thống nhất, nhà thầu khai thác mỏ cát mới là do Bộ GTVT giới thiệu.
Trước đó, ngày 31/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc điều phối vật liệu cát san lấp cho các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau), với khối lượng của năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.