Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất chính sách ngắn hạn nhằm đối phó với dữ liệu kinh tế đáng thất vọng sau một thời gian mở cửa trở lại để sống chung với Covid-19.
PBOC đã cắt giảm tỉ lệ mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày từ 2% xuống 1,9%, theo một thông cáo của ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 13/6.
Đây là động thái đầu tiên của PBOC kể từ tháng 8 nhằm giúp khôi phục niềm tin của thị trường và thúc đẩy sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch.
Quyết định của PBOC khiến hầu hết các nhà kinh tế và những người tham gia thị trường đều bất ngờ, bởi PBOC hiếm khi thay đổi lãi suất chính sách ngắn hạn trước lãi suất một năm. Lần cuối cùng điều đó xảy ra là vào tháng 3/2020.
PBOC dự kiến sẽ công bố điều chỉnh đối với lãi suất các khoản vay chính sách kỳ hạn 1 năm (MLF) vào ngày 15/6 và lãi suất cho vay cơ bản ngày 20/6.
“Quyết định của PBOC là một dấu hiệu rõ ràng rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất MLF vào ngày 15/6. Điều đó cho thấy rằng ngân hàng trung ương muốn đưa ra hướng dẫn sớm và đảm bảo với thị trường về lập trường nới lỏng của mình, do sự phục hồi yếu kém của nền kinh tế sau Covid”, ông David Qu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho biết.
Theo các nhà phân tích, việc cắt giảm lãi suất lần này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng lo lắng về khả năng phục hồi của Trung Quốc.
Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy, lạm phát vẫn ở mức gần bằng 0 trong tháng 5, hoạt động sản xuất bị thu hẹp, và thị trường bất động sản chưa thể phục hồi.
“Các nhà hoạch định chính sách cuối cùng cũng thừa nhận sự yếu kém của nền kinh tế. Sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc hơn nữa trong nửa cuối năm 2023”, bà Michelle Lam, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại công ty dịch vụ tài chính Societe Generale (Pháp) cho biết.
Mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể giúp cải thiện tâm lý trong ngắn hạn, nhưng các nhà kinh tế cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư.
Mặc dù nguồn cung tiền tăng trưởng nhanh chóng nhưng đầu tư tư nhân vẫn chậm chạp, nhu cầu đi vay còn yếu. Điều này có nghĩa là động thái nới lỏng tiền tệ đơn thuần sẽ không có nhiều tác dụng trong việc kích thích nền kinh tế.
“Thị trường cần được hỗ trợ nhiều hơn về chính sách, cả về tiền tệ và tài chính mới có thể xoay chuyển tâm lý tiêu cực về triển vọng kinh tế của Trung Quốc”, ông Steven Leung, giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư UOB Kay Hian nhận định.
Việc PBOC công bố cắt giảm lãi suất ngay trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 13 và 14/6 cho thấy ngân hàng này đang cố gắng “đi tắt đón đầu” nhằm giảm thiểu tác động của việc cắt giảm lãi suất đối với đồng nhân dân tệ, theo ông Ken Cheung, giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại ngân hàng Mizuho (Hồng Kông, Trung Quốc).
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Reuters)