Nằm 2 bên kênh Ngàn Trươi qua địa bàn nhưng những cánh đồng ở xã Hòa Lạc (Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn chịu khát nguồn nước tưới.
Cánh đồng thôn Yên Thắng, xã Hòa Lạc.
Thôn Yên Thắng (xã Hòa Lạc) trước đây được sáp nhập từ 3 xóm. Các thửa ruộng, bởi vậy, nằm theo từng vùng. Tất cả các vùng này đều không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Theo người dân địa phương, ngay cả vụ xuân, nguồn nước phục vụ các cánh đồng cũng bị động do chỉ trông chờ vào mưa và thủy triều của sông La để bơm tưới.
Ngay cả vụ xuân, nguồn nước cung cấp cho máy bơm trên địa bàn xã Hòa Lạc cũng không ổn định (Trong ảnh: Hiện trạng mức nước đầu vào tại một trạm bơm trên địa bàn xã Hòa Lạc sau một trận mưa).
Trước thực tế đó, nhiều năm nay, người dân thôn Yên Thắng không sản xuất lúa hè thu mà chuyển sang trồng đậu. Năm nay, việc tiêu thụ đậu gặp khó khăn, người dân đành bỏ không toàn bộ diện tích sản xuất.
Trưởng thôn Yên Thắng Phạm Đình Hiếu cho hay: Toàn thôn có gần 100 hộ sản xuất nông nghiệp với 26 ha. Vụ xuân tuy thuận lợi hơn hè thu nhưng nguồn nước không ổn định, nếu không có mưa, nhiều thời điểm rất bị động. Vụ hè thu, người dân không thích trồng đậu do đầu ra khó khăn, không ổn định, thay vào đó, muốn trồng lúa nhưng lại không có nước tưới nên đành chịu.
Kênh Ngàn Trươi qua địa bàn xã Hòa Lạc.
Ông Hiếu bày tỏ: “Điều đáng nói là thôn có những cánh đồng nằm sát kênh Ngàn Trươi nhưng cũng không còn cách nào để lấy được nước! Năm nay, toàn bộ diện tích hè thu đành để vậy, chờ đến vụ xuân”.
Không riêng thôn Yên Thắng mà gần toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Hòa Lạc thuộc 13 thôn, mùa này đành trở thành bãi chăn thả trâu bò.
Nhiều diện tích ruộng sát kênh Ngàn Trươi đã không thể đem vào sản xuất hè thu.
Theo quan sát, kênh Ngàn Trươi chảy qua địa bàn xã Hòa Lạc, đi qua một số cánh đồng thuộc 2 HTX nông nghiệp chịu trách nhiệm điều tiết sản xuất là HTX Đức Hòa và HTX Đức Lạc.
Tuy 2 HTX rất trăn trở với nguyện vọng của bà con nhưng không có cách nào để lấy được nước phục vụ các cánh đồng.
Kênh Ngàn Trươi chảy qua nhiều khu vực sản xuất của xã Hòa Lạc.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc Lê Tiến Thắng trao đổi: Toàn xã có khoảng 508 ha đất nông nghiệp, nhưng vụ hè thu này chỉ sản xuất được 3ha tự phát, do người dân tận dụng nước từ một số ao, hồ nhỏ. Dựa trên thực tế khó khăn về nguồn nước, xã đã không đưa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vào sản xuất lúa hè thu.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc Lê Tiến Thắng (ngoài cùng, bìa trái) trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc còn cho hay: Kênh Ngàn Trươi chảy qua địa bàn, đi qua một số cánh đồng thuộc thôn Yên Thắng, Thượng Tiến… nhưng không có thiết kế cửa mở. Địa phương rất muốn tranh thủ nguồn nước từ kênh này để chủ động sản xuất, ngay cả vụ xuân, tuy nhiên chỉ còn cách duy nhất là đầu tư kênh dẫn từ xã Đức Đồng về địa bàn với chiều dài khoảng 3-5km.
Người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất nhưng xã không đủ nguồn lực vì kinh phí đầu tư kênh này rất lớn. Mong rằng, các cấp, ngành có sự quan tâm, sớm nghiên cứu phương án để giúp địa phương có kênh dẫn, lấy nước từ hệ thống kênh Ngàn Trươi, qua đó sử dụng hiệu quả toàn bộ diện tích trồng lúa.
Kênh Ngàn Trươi chảy qua địa bàn xã Hòa Lạc nhưng chính quyền và người dân chưa có cách nào để sử dụng nguồn nước này phục vụ sản xuất.
Theo tìm hiểu, hiện nay, hệ thống kênh nội đồng của xã Hòa Lạc đã cơ bản đảm bảo. Trường hợp có kênh dẫn, địa phương này chỉ cần gia cố, tu bổ thêm một khối lượng không đáng kể kênh nội đồng là sẽ cung cấp đầy đủ nước phục vụ sản xuất.
Là người am hiểu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, ông Lê Tiến Thắng tính toán: Nếu được các cấp đầu tư kênh dẫn, chỉ riêng vụ hè thu, xã Hòa Lạc sẽ cơ cấu khoảng hơn 70% diện tích lúa trong tổng diện tích hơn 500 ha.
Trung Dân – Đức Phú