(LĐXH) – Đông Nam Á nhanh chóng nổi lên như điểm nóng đầu tư cho các công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo như Nvidia và Microsoft, những hãng đổ tiền vào các dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ trẻ của khu vực dường như không thể tận dụng được cơ hội này.
Giữa lúc các công ty lớn nhất thế giới dự kiến đầu tư khoảng 60 tỷ USD trong vài năm tới tại Đông Nam Á, khi dân số trẻ của khu vực này đón nhận xu hướng video trực tuyến, mua sắm trực tuyến và chóng nổi lên như điểm nóng đầu tư cho các công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh thì số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) có AI làm cốt lõi trong khu vực vẫn rất hạn chế.
Các nhà đầu tư e ngại rủi ro với các đơn vị chưa được kiểm chứng và khu vực này vẫn chưa thể chứng minh khả năng tạo ra các công ty sáng tạo có thể mở rộng quy mô đáng kể.
Tính đến năm 2024, khoản đầu tư mạo hiểm vào các công ty AI trẻ của Đông Nam Á chỉ đạt 1,7 tỷ USD, trong tổng số khoảng 20 tỷ USD cho toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), theo dữ liệu từ Preqin. Chỉ có 122 giao dịch tài trợ diễn ra ở Đông Nam Á trong năm 2024 so với tổng số 1.845 tại toàn khu vực APAC.
Sự kết nối lỏng lẻo này dấy lên hoài nghi về khả năng của Đông Nam Á về việc phát triển khu vực tư nhân và cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc – hai quốc gia dẫn đầu thế giới về AI. Sự hoài nghi của các nhà đầu tư mạo hiểm đang tác động tới tiềm năng phát triển của toàn bộ ngành công nghệ trong khu vực.
Trên toàn cầu, các nhà đầu tư chạy đua để khai thác cơ hội AI nhưng trọng tâm vẫn là Mỹ và Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Preqin, năm 2024, Mỹ đã giành được 68,5 tỷ USD trong tổng số vốn đầu tư vào AI, trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 11 tỷ USD.
Khu vực Đông Nam Á với dân số 675 triệu người có hơn 2.000 startup AI, nhiều hơn Hàn Quốc và gần bằng Nhật Bản và Đức, theo báo cáo của công ty tư vấn công nghệ Access Partnership. Singapore, trung tâm kinh doanh lớn của khu vực, xếp thứ ba trong Chỉ số AI toàn cầu với điểm số cao về số lượng nhà khoa học AI trên mỗi triệu người.
Tuy nhiên, một số quốc gia như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia có nền văn hóa và kinh tế đa dạng đã gây khó cho việc mở rộng sản phẩm và dịch vụ. Điều này dẫn đến một câu hỏi: Các công ty công nghệ địa phương có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường toàn cầu không?
Ông Jussi Salovaara, đồng sáng lập và đối tác điều hành Antler (Singapore) cho biết: “Sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và cơ sở hạ tầng của khu vực khiến việc tạo ra các bộ dữ liệu lớn, thống nhất trở nên khó khăn – điều mà các giải pháp AI thường dựa vào để mở rộng quy mô”.
Ông Sang Han, đối tác tại Quỹ đầu tư mạo hiểm East Ventures cho biết, các nhà đầu tư AI đang xem xét các mô hình nền tảng hỗ trợ nhiều dịch vụ khác nhau, phần mềm cần thiết để đào tạo và tinh chỉnh cũng như phần cứng hỗ trợ cho toàn bộ quá trình. “Tất cả chưa diễn ra ở quy mô lớn tại Đông Nam Á”, ông nói thêm.
Toàn bộ ngành đầu tư mạo hiểm của khu vực cũng đang thiếu hụt các khoản đầu tư do thị trường IPO yếu. Nghiên cứu từ Google, Temasek Holdings và Bain & Co cho thấy, nguồn vốn tư nhân ở Đông Nam Á dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất, giảm mạnh từ mức cao trong đại dịch do các nhà đầu tư trở nên thận trọng và vốn thì đắt đỏ hơn.
Các chính phủ trong khu vực không ngồi yên, hầu hết đã phát triển các khung AI riêng. Singapore cũng hỗ trợ vốn cho các công ty khởi nghiệp thông qua các cơ chế đầu tư. Ông Kelvin Lee, đồng sáng lập nền tảng đầu tư Alta cho rằng, các chính phủ phải hợp tác và đưa ra kế hoạch phối hợp.
“Các quốc gia Đông Nam Á đang tập trung vào những mục tiêu hoàn toàn khác nhau: Một số tập trung vào phát triển các ngành công nghệ cao, một số khác tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện sống cơ bản. Sự khác biệt này khiến việc ưu tiên đổi mới đột phá trên quy mô khu vực trở nên khó khăn”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, tiềm năng của Đông Nam Á không thể bị bỏ qua. Trong khi ngành công nghiệp AI của khu vực phát triển không hiệu quả, nền kinh tế kỹ thuật số nói chung lại tăng trưởng ở mức hai chữ số về cả doanh thu và lợi nhuận, theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain.
Đông Nam Á có tầng lớp trung lưu phát triển với thu nhập ngày càng tăng, cũng như số lượng người dùng di động và internet mở rộng. Khu vực này cũng được đánh giá là tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các rủi ro địa chính trị xuất phát từ căng thẳng Mỹ – Trung.
Ông Weisheng Neo, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Qualgro cho rằng, cơ hội AI của Đông Nam Á có thể nằm ở giai đoạn đầu của chuỗi giá trị, bao gồm việc thu thập và tổ chức dữ liệu lớn. “Đó là điều có thể giúp chúng ta xây dựng các tài sản cốt lõi, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh”, ông Neo nói thêm.
Một số công ty khởi nghiệp AI thành công hơn của khu vực đã phát triển theo hướng này. Patsnap, có trụ sở tại Singapore, đã đầu tư vào việc thu thập, làm sạch và cấu trúc dữ liệu, trở thành nền tảng cho các mô hình AI.
Suốt 17 năm, công ty đã xây dựng các tập dữ liệu lớn bao gồm cơ sở dữ liệu về bằng sáng chế, hóa học, dược phẩm và thực phẩm, được khách hàng như Nasa, Tesla và Walt Disney sử dụng.
Công ty được SoftBank Group hậu thuẫn này sử dụng các dữ liệu để đào tạo các mô hình ngôn ngữ dành riêng cho từng ngành và đã bổ sung các công cụ AI như xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Alpha JWC của Indonesia, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lạc quan về tiềm năng của Đông Nam Á, đã hợp tác với Pijar Foundation để tạo ra môi trường thử nghiệm nhằm kết nối nhân tài và các công ty khởi nghiệp với một số tập đoàn lớn nhất nước.
“Thông qua chương trình, chúng tôi có cái nhìn rõ hơn về những khó khăn mà các tập đoàn lớn phải đối mặt khi tích hợp AI vào quy trình làm việc, cũng như về nguồn tài năng sẵn có để giải quyết vấn đề này”, ông Jefrey Joe, đối tác tại Alpha JWC cho biết.
Những nỗ lực đang thúc đẩy sự lạc quan rằng vẫn còn cơ hội để bắt kịp làn sóng AI. Tuy nhiên, sự thúc đẩy này đòi hỏi tất cả các bên cần hợp tác chặt chẽ hơn. “Ở đây là hệ sinh thái – chúng ta cần cơ quan quản lý, chính phủ, người mua, nhà cung cấp và người tiêu dùng hợp sức với nhau”, ông nói.
Bảo Châm (theo Straits Times)
Báo Lao động và Xã hội số 154
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/dong-nam-a-cac-startup-bo-lo-con-sot-cong-nghe-20241224100757233.htm