TPO – Công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được thực hiện theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với tổng diện tích đất cần sử dụng khoảng 378 ha. Các địa phương có dự án đi qua đang lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư cho người dân.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa yêu cầu lãnh đạo các địa phương có tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đi qua (gồm các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú) phải chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực cũng như quy hoạch xây dựng các khu tái định cư để triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sẽ giảm tải cho tuyến quốc lộ 20 |
Theo quyết định phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài hơn 60km. Điểm đầu của tuyến đường tại nút giao với quốc lộ 1 kết nối với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất); điểm cuối tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với quốc lộ 20), kết nối với đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (xã Phú Trung, huyện Tân Phú).
Trong giai đoạn 1, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có quy mô 4 làn xe hạn chế, chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, mặt cắt ngang 24m, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Trên tuyến có 26 cầu vượt qua đường ngang, 4 cầu trên nhánh nút giao; 24 hầm chui dân sinh; 31km đường gom hai bên kết hợp với hầm chui dân sinh, cầu vượt, đảm bảo kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng đời sống cư dân hai bên.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 9 nghìn tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư huy động gần 7,7 nghìn tỷ đồng và vốn của Nhà nước 1,3 nghìn tỷ đồng. Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tại Km40, quy mô 3 ha mỗi bên. Chi phí giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm dừng nghỉ được tính trong tổng mức đầu tư dự án. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2024.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là tuyến đường đi hoàn toàn trong địa phận tỉnh Đồng Nai. Do đó, địa phương sẽ đảm nhiệm công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Đối với dự án này, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với tổng diện tích đất cần sử dụng khoảng 378 ha.
Tại các địa phương có dự án đi qua, công tác giải tỏa mặt bằng và tái định cư đang được triển khai. Cụ thể, huyện Thống Nhất đang triển khai xây dựng 3 khu tái định cư. Tuy nhiên, dự án chỉ đi qua đất rẫy, đất trồng cây cao su nên không phải bố trí tái định cư cho người dân.
Tại huyện Định Quán, số hộ dân cần tái định cư rất ít nhưng địa phương cũng đã chủ động quy hoạch các khu tái định cư để phục vụ tái định cư cho người dân.
Tại huyện Tân Phú, để phục vụ Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú qua địa bàn, địa phương phải thu hồi diện tích đất khoảng 125 ha với khoảng 86 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong số này, có 60 hộ phải tái định cư. Ngoài ra, huyện Tân Phú còn phải thực hiện tái định cư cho khoảng 120 hộ dân thuộc Dự án Đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.
Hiện nay, UBND huyện Tân Phú đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư huyện lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 12 ha tại xã Phú Bình để bố trí tái định cư cho người dân.
Nguồn: https://tienphong.vn/dong-nai-xay-nhieu-khu-tai-dinh-cu-du-an-cao-toc-dau-giay-tan-phu-post1663666.tpo