Một hội thảo về nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp do Sở Công thương tổ chức vào tháng 6-2024. Ảnh: H.Quân

Một hội thảo về nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp do Sở Công thương tổ chức vào tháng 6-2024. Ảnh: H.Quân

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung và DN ở Đồng Nai nói riêng, ngày càng ý thức hơn về việc bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản, để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.

Nhiều tiềm năng phát triển

Theo Báo cáo TMĐT năm 2023 của Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương), trong bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam, TMĐT tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Tại Đồng Nai, hoạt động TMĐT của tỉnh ngày càng được mở rộng và phát triển khá sôi động. Tỉnh liên tục nằm trong tốp 10 các địa phương có chỉ số TMĐT cao nhất của cả nước và có sự tăng trưởng khá ổn định. Chỉ số TMĐT của Đồng Nai từ xếp hạng 9 năm 2016 đã lên hạng 6 năm 2023 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt hơn 21,6 tỷ USD. Kết quả này giúp Đồng Nai luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu…

Vào tháng 6 vừa qua, Sở Công thương phối hợp với Sàn TMĐT alibaba.com tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến đón đầu xu hướng toàn cầu cho DN.

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Cường cho biết, Đồng Nai được đánh giá là thị trường sản xuất, kinh doanh phát triển sôi động. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ thống logistics khá hoàn chỉnh và phát triển. Đây là cơ hội và tiềm năng để phát triển TMĐT trong hiện tại và tương lai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng là cơ hội để các DN trên địa bàn nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến, đón đầu xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

“Xuất khẩu trực tuyến không chỉ giúp DN mở rộng thêm khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, mà còn góp phần đưa thương hiệu hàng Việt, sản phẩm của Đồng Nai đến tay người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới” – ông Phạm Văn Cường bày tỏ.

Triển khai kết nối, hỗ trợ DN địa phương

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đồng Nai có thể phát triển mạnh mẽ TMĐT xuyên biên giới. Theo nhiều chuyên gia, để tận dụng được lợi thế những tiềm năng trong TMĐT xuyên biên giới, xuất khẩu trực tuyến, địa phương cần có kế hoạch phát triển dài hơi, có sự kết nối, chính sách hỗ trợ DN như: tiếp cận vốn, phát triển logistics, hạ tầng sản xuất, thương mại, thông quan hàng hóa…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, kỹ năng quảng bá, bán hàng trên các sàn TMĐT xuyên biên giới; cũng như chủ động đón đầu với “làn sóng” hội nhập, ứng phó với những thách thức khi thị trường xuất khẩu trực tuyến ngày càng mở rộng…

Giám đốc Công ty TNHH Laven Group (thành phố Biên Hòa) Đinh Thành Thiện cho hay, thời gian qua, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, công ty đã tham gia nhiều hoạt động kết nối các sàn TMĐT như: Amazon, Alibaba… để nắm bắt, hiểu rõ hơn các cách thức, từng bước tìm kiếm cơ hội để bán, quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT lớn trên thế giới, qua đó nỗ lực để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giám đốc quốc gia Sàn TMĐT Alibaba.com tại Việt Nam Mike Zhang chia sẻ, trên thực tế, dựa trên thông tin chi tiết trên Alibaba.com, nhiều mặt hàng, ngành công nghiệp của Đồng Nai có nhiều lợi thế cạnh tranh trong hoạt động TMĐT, xuất khẩu trực tuyến. Đơn cử như mặt hàng đồ nội thất của tỉnh được nhiều khách hàng tìm mua, nhất là từ Mỹ.

Theo ông Mike Zhang, hiện có nhiều khách hàng đã làm việc với Alibaba.com hơn 10 năm về các hoạt động liên quan đến TMĐT xuyên biên giới. Nhiều khách hàng, DN đã có trải nghiệm thành công với nền tảng của Alibaba.com. Điều này giúp Alibaba.com tự tin hơn về hoạt động kinh doanh của mình ở Đồng Nai, cũng như mong muốn sẽ giúp ích cho các DN tại địa phương trong việc phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường cho biết thêm, cùng với cả nước, Đồng Nai đang nỗ lực hỗ trợ DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển TMĐT, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh bền vững, hướng tới phát triển các kênh xúc tiến xuất khẩu… Qua đó, hướng tới mục tiêu hỗ trợ thương nhân, nhà sản xuất cắt giảm tối đa các chi phí trung gian, gia tăng số lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bán ra thị trường. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với phương thức kinh doanh hiện đại, không bị khống chế về mặt thời gian và không gian…

Theo Hải Quân (Báo Đồng Nai)