Năm 2024, Đồng Nai đạt và vượt mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, giữ vững vị trí top đầu cả nước hậu nông thôn mới.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 110 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 4 huyện: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu đã trình UBND tỉnh hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Kết quả trên đều đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Thách thức trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn, khiến cho việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác đều bị ảnh hưởng khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và tình hình suy thoái kinh tế chung của thế giới.
Tính đến nay, tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước chỉ có 77,4%; tỷ lệ xã đạt nông thôn mới nâng cao mới chiếm 34,6% và xã nông thôn mới kiểu mẫu chỉ đạt 7,6%. Cả nước chỉ có 11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 5%).
So sánh với mặt bằng chung của cả nước, Đồng Nai tiếp tục đứng top đầu trong hậu xây dựng nông thôn mới khi tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Đồng Nai là 91,6%, tỷ lệ xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt hơn 28%. Về huyện nông thôn mới nâng cao, năm 2023, Đồng Nai có một huyện nông thôn mới nâng cao được công nhận. Ngoài ra, Đồng Nai đang trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 huyện đang được các sở, ngành xem xét, đánh giá hồ sơ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn Đồng Nai đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các mặt, từ hạ tầng giao thông đến hệ thống trường học, y tế đạt chuẩn quốc gia, môi trường sinh thái có bước cải thiện.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái… Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân nông thôn được nâng cao, góp phần vào công tác xây dựng nông thôn mới.
Ngay từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP nông – lâm – thủy sản từ 3-5%. Trong đó, tập trung thực hiện các mục tiêu đột phá, quan trọng của ngành như: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thu hút đầu tư chế biến sâu…
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 127 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với nông sản chủ lực của tỉnh với tổng diện tích gần 40,7 ngàn hécta, trong đó 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô gần 1,6 ngàn hécta về sản phẩm lúa, xoài, bưởi, sầu riêng… Các vùng sản xuất đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao; áp dụng hệ thống tưới tự động, bán tự động; sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch…
Toàn tỉnh hiện có 419 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ cao được đào tạo, tập huấn đạt gần 92,7%. Đồng Nai có hơn 885,5 hécta đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt gần 0,5% trên tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Tỉnh này cũng hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô 1.555 hécta; có 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với tổng diện tích gần 29 hécta; 107 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Các doanh nghiệp của tỉnh đã tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; gắn kết với hợp tác xã, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các nước nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai đã cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã số cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng với quy mô gần 28 ngàn hécta và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand…
Đình Sơn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dong-nai-duy-tri-vi-tri-top-dau-hau-nong-thon-moi-2345914.html