Từ thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới đã góp phần khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ (VNS) khơi nguồn sáng tạo, đóng góp tích cực vào xây dựng và phát triển sự nghiệp VHNT theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc miền đất, con người Lai Châu, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nhằm đưa tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW đi vào cuộc sống, nhất là trong các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, đặc biệt là Báo Lai Châu, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các ấn phẩm, trang thông tin chuyên ngành đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục để tập trung tuyên truyền. Hội VHNT tỉnh ngoài tích cực triển khai tới hội viên còn tăng cường giới thiệu, quảng bá, lan tỏa những giá trị VHNT của đồng bào các dân tộc, cổ vũ, động viên VNS tích cực sáng tác, phổ biến các giá trị VHNT trong Nhân dân; đấu tranh, phê phán văn hóa phẩm độc hại, phòng chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa…
Nhờ quan tâm lãnh, chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, giám sát và cụ thể hoá vào điều kiện thực tế của tỉnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Lai Châu đã “gặt hái” được nhiều kết quả. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực sáng tạo VHNT có nhiều chuyển biến tích cực. Thời gian qua, dòng mạch chính trong sáng tạo VHNT của đội ngũ VNS trên địa bàn tỉnh là “Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”. Đội ngũ này luôn ý thức sâu sắc sứ mệnh của VHNT là phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đời sống tinh thần của Nhân dân. Khuynh hướng sáng tác bám sát các mục tiêu phát triển của tỉnh, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh, quảng bá hình ảnh đẹp về văn hóa, con người Lai Châu; trực tiếp tham gia xây dựng và hoàn thiện con người, tôn vinh các giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, hướng con người vươn tới giá trị chân – thiện – mỹ. Đồng thời, nhạy bén và mạnh dạn thể hiện rõ nét tính chiến đấu, cảnh báo, phản biện, đấu tranh có hiệu quả, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng, trào lưu tiêu cực, phản văn hóa nảy sinh trong cuộc sống.
Các nghệ sỹ nhiếp ảnh Lai Châu chia sẻ khoảnh khắc cùng nhân vật.
Đội ngũ VNS của tỉnh ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, luôn ý thức về việc tự do sáng tạo nghệ thuật phải gắn liền với trách nhiệm công dân; không ngừng đổi mới và phát huy khả năng sáng tạo, đưa VHNT và văn hóa phát triển lên một bước mới.
Các ngành, đơn vị chức năng, Hội VHNT tỉnh, đội ngũ VNS, trí thức đã làm tốt công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian với 6 công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 32 đề tài, tác phẩm được hỗ trợ xuất bản, 46 tác phẩm đạt giải khu vực, toàn quốc; 109 tác phẩm đạt giải thưởng VHNT Lai Châu; phục dựng thành công 5 lễ hội, tổ chức 20 lớp truyền dạy về chữ viết, trình diễn văn nghệ dân gian.
Nhiều cuộc thi, giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT được tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo VNS, phóng viên, các đơn vị tham gia. Là tác giả thường xuyên có tác phẩm tham gia các giải thưởng về lĩnh vực sáng tác, anh Hà Minh Hưng (Hội VHNT tỉnh) đã rất nhiều lần “ẵm về” các giải thưởng lớn cấp tỉnh, trung ương. Anh Hưng tâm sự: Không chỉ cá nhân tôi mà đa số những người hoạt động nghệ thuật tại vùng đất nơi cuối trời Tây Bắc trong giai đoạn này cảm thấy vô cùng thuận lợi. Thứ nhất, về điều kiện khách quan, Đảng, Nhà nước ta rất chú trọng xây dựng đội ngũ VNS Việt Nam toàn diện cả về số lượng, chất lượng với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực sáng tác VHNT. Thứ hai, về điều kiện chủ quan, Lai Châu giàu bản sắc văn hóa truyền thống, vùng đất 20 dân tộc là cái nôi của nhiều nền văn hóa cổ – đó là điều kiện “vàng” cho anh em VNS sáng tác, sáng tạo phát triển lĩnh vực VHNT trong thời kỳ mới.
Thực tế cho thấy, đội ngũ VNS đã sáng tác được nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, khả năng tiếp nhận của độc giả, khán giả, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như chuyên ngành âm nhạc, Chi hội Nhạc sỹ luôn khẳng định vị trí, vai trò trong phong trào sáng tác ca khúc, nhạc đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; được tặng nhiều giải thưởng và bằng khen của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Riêng chuyên ngành nhiếp ảnh, Chi hội Nhiếp ảnh Lai Châu hằng năm sáng tác trên 1.100 tác phẩm chất lượng, trong đó có 100 tác phẩm tham dự Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc, hàng chục lượt tác giả được trưng bày triển lãm và đạt giải…
Hay như hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. Con số gần 1.300 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó hơn 2/3 số buổi phục vụ Nhân dân, cán bộ, chiến sỹ đang sinh sống, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số cho thấy sự nỗ lực không ngừng của các nghệ sỹ, diễn viên của tỉnh.
Ngoài ra, những năm gần đây, tỉnh còn chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội chuyên ngành Trung ương đăng cai tổ chức nhiều liên hoan, hội diễn, triển lãm toàn quốc, khu vực về văn hóa, nghệ thuật và tổ chức kỷ niệm các sự kiện lịch sử của tỉnh… Việc này không chỉ giúp Nhân dân được thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần mà các nghệ sỹ, nghệ nhân của tỉnh được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, VHNT truyền thống của các dân tộc.
Nghị quyết số 23-NQ/TW đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo VHNT không giới hạn của các VNS trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ này ngày càng bứt phá vươn lên khẳng định tài năng của mình, với số lượng tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật tăng rõ rệt và được khẳng định chất lượng bằng các giải thưởng lớn của Trung ương, khu vực và tỉnh.