Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài: “Dự án đường Vành đai 4: Động lực phát triển mạnh mẽ cho Vùng Thủ đô”.
Bài 1: Tầm nhìn chiến lược, triển khai thần tốc
Vùng Thủ đô với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, mở rộng đến 9 tỉnh, thành phố khác và là một trong những vùng trọng điểm kinh tế-xã hội, chính trị của cả nước. Tuy nhiên, hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, cấp thiết phải mở rộng, tăng cường tính kết nối liên vùng. Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô được kỳ vọng khai thác tối đa tiềm năng phát triển, tạo lực đẩy quan trọng cho đầu tàu kinh tế khu vực Bắc Bộ.
Tầm nhìn chiến lược
Nhìn rõ những hạn chế về kết nối hạ tầng, Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội ban hành tháng 6-2022 đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm của quốc gia, là một công trình, một sản phẩm cụ thể hóa quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khát vọng thể hiện ý chí vươn lên xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Dự án có tổng chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long). Điểm đầu của Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Dự án qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km), Bắc Ninh (dài 25,6km) và tuyến nối (dài 9,7km). Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng từ 90 đến 135m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135m. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỉ đồng.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm bảy tuyến cao tốc: Hà Nội-Lào Cai; Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài-Bắc Ninh. Bảy tuyến cao tốc này tạo nên bốn hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh; Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Lạng Sơn-Bắc Giang-Hà Nội; Hà Nội và Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc Bộ nói chung.
Điều đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. “Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3-tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ.
Hiện nay, cả 7 tuyến cao tốc kết nối bốn hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Thủ đô làm tâm, hướng vào Vành đai 3 Hà Nội. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi phía Bắc, phía Tây và ngược lại, quá cảnh Hà Nội chủ yếu đều thông qua tuyến này. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng quá tải với mật độ lưu lượng giao thông cao gấp khoảng 2,5 lần so với thiết kế của Vành đai 3, tất yếu hình thành những điểm nghẽn trong chuỗi lưu thông của cả Vùng Thủ đô.
Chuyên gia quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, có thể thấy rõ, Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn khi đảm nhiệm vai trò phân bổ, trung chuyển các luồng lưu thông của Vùng Thủ đô mà thiếu đi những mảnh ghép hạ tầng giao thông khung có tính quyết định. “Khi các mạch máu giao thông “nghẽn” tại Hà Nội, ảnh hưởng sẽ lan rộng đến tất cả các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Thực tế bức thiết đó đòi hỏi Chính phủ và các địa phương phải có kế hoạch cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Vành đai 4-Vùng Thủ đô vì hiện tại và cả tương lai”, chuyên gia Phan Trường Thành nói.
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới cực kỳ tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội) cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh… sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai.
Khi Vành đai 4-Vùng Thủ đô hình thành, hàng loạt điểm “đen” ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ được giải quyết như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5… Đặc biệt, sân bay Nội Bài – cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistic cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội”, ông Phan Trường Thành nói.
Quyết liệt triển khai
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng khẳng định việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung. Do đó, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế-xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, thành phố trong vùng, giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đây, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế, gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng.
Ngày 13-9-2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về Nghị quyết của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ban Thường vụ Thành ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Thường vụ Đảng ủy các quận, huyện liên quan, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Yêu cầu mỗi địa phương xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.
Đích thân làm Trưởng ban chỉ đạo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện dự án, Ban Chỉ đạo xác định giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm”, phải đi trước. Quá trình triển khai thực hiện, UBND Thành phố phải tiên lượng các vấn đề có thể phát sinh, còn khó khăn, vướng mắc để đề ra chính sách phù hợp, cần thiết; nhanh chóng có hướng dẫn bổ sung, thống nhất từ trên xuống dưới, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho các quận, huyện thực hiện việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư.
“Các công việc triển khai thực hiện dự án hiện nay phải làm song hành, không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được. Chúng ta xác định thành công của dự án là danh dự của thành phố. Vì vậy, từng đồng chí phải làm hết lòng, hết sức, làm thật nghiêm, thật tốt ngay từ đầu để làm gương, để nhân dân ủng hộ”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Sự quyết liệt từ người đứng đầu đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể từng lĩnh vực từ giải phóng mặt bằng, quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, thủ tục… liên quan đến dự án Vành đai 4. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu xử lý, giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan tới Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô phải trong thời gian 24 đến 48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc. “Thời gian không còn nhiều, các địa phương cùng các sở, ngành liên quan phải ưu tiên toàn tâm, toàn lực cho công tác hoàn thành các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, bảo đảm quyền lợi cho người dân”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, dự án Vành đai 4 là dự án cụ thể, công việc cụ thể được triển khai theo mô hình hoạt động vùng. Thực hiện thành công dự án sẽ là cơ sở có ý nghĩa rất lớn để thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển vùng, trong đó có Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của trung ương và thành phố Hà Nội, nhân dân Thủ đô và cả nước đều kỳ vọng, dự án đường Vành đai 4 sẽ được triển khai đúng tiến độ. Những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ là giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trong một thời hạn rất ngắn cũng chính là cuộc sát hạch đối với trách nhiệm, ý chí và niềm tin của đội ngũ cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ khó, nhưng cũng mang lại những lợi ích to lớn cho Thủ đô và đất nước.
———–
Bài 2: Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
NHÓM PHÓNG VIÊN