Việt Nam cần có những động lực đồng bộ từ cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển nhân lực và bảo vệ môi trường. Các chính sách hiệu quả, cùng sự tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng cho phát triển kinh tế. Nỗ lực này không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8% mà còn tiến gần hơn đến việc trở thành nền kinh tế năng động và hiện đại trong khu vực.
Thuận lợi và thách thức trong năm mới
Nền kinh tế trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đề ra tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Kết quả này là tiền đề quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra cho năm nay.
Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra cho năm nay là 8% trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, xu hướng phục hồi rõ nét hơn nhưng không đồng đều giữa các quốc gia.
Các tổ chức như OECD, IMF và EU nhận định, GDP toàn cầu trong năm 2025 tăng trưởng nhẹ hoặc ổn định ở mức 3,2-3,3%. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức như xung đột và căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu do bất ổn địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái.
Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tác động sâu sắc hơn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, hầu hết tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD và IMF đều dự báo tăng trưởng năm nay ở mức từ 6,1% đến 6,6%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong nước, kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Về một số thuận lợi cho kinh tế Việt Nam năm nay, cơ quan thống kê cho biết, nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định FTA.
Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Bên cạnh đó, thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ. Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA)
Đồng thời, đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao đang được định hướng và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ. Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ trong cả bộ máy Nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế sẽ tạo động lực mới cho phát triển.
Về phần khó khăn, thách thức phải đối mặt, Tổng cục Thống kê đánh giá, rủi ro, thách thức của kinh tế toàn cầu, quan hệ với Mỹ, Trung Quốc sẽ tác động tới Việt Nam cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Cũng theo cơ quan thống kê, thể chế pháp lý đang được hoàn thiện nhưng còn chậm và nhiều chính sách còn chưa có sự ổn định, chồng chéo, dẫm chân nhau. Động lực truyền thống chưa được làm mới, các điểm nghẽn đầu tư đang được nhận diện và xử lý nhưng hiệu quả chưa cao
Mặt khác, lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều trong lực lượng lao động, thiếu lao động chất lượng cao. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước; thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng.
Động lực đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới
Nước ta bước vào năm 2025 trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, mặc dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị (6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%).
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng 8% là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 5 động lực chủ yếu để nước ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%.
"Thứ nhất, sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thứ hai, những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển. Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Thứ tư, sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cuối cùng là sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), với những yếu tố thuận lợi hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP Chính phủ đề ra năm 2025 là hoàn toàn khả thi. TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong thời gian qua Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ điểm nghẽn thể chế, nhất là chất lượng thể chế và pháp luật là rào cản rất lớn cho phát triển nói chung, tăng trưởng kinh tế nói riêng. Từ đó đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công cuộc cải cách bộ máy nhà nước và thể chế để phát huy tốt nhất các nguồn lực phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
“Tôi kỳ vọng những rào cản, điểm nghẽn trong hệ thống thể chế, pháp luật sẽ được khắc phục trong thời gian tới để doanh nghiệp được gỡ vướng, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Theo tôi, với những yếu tố thuận lợi hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề ra là hoàn toàn khả thi. Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Trên bình diện quốc tế, nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau các tác động từ đại dịch và xung đột địa chính trị. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam”, TS Nguyễn Quốc Việt khẳng định.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dong-luc-nao-de-viet-nam-co-the-can-moc-tang-truong-8-trong-nam-2025-241695.html
Bình luận (0)