Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950) đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc luôn được củng cố và trên đà phát triển tốt đẹp, gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, từ năm 2008 hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã tạo những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, ngành và tầng lớp nhân dân. Vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ trở thành mốc son mới, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước.
Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu. (Nguồn: TTXVN) |
Đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu thứ hai
Những năm qua, Việt Nam liên tục nâng cao vị thế, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đứng thứ 5 trên toàn cầu của quốc gia láng giềng. Ngược lại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, tính tới 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương đã đạt 112,6 tỷ USD và đang có nhiều cơ hội để vượt qua con số 171,9 tỷ USD năm 2023. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng nhanh khi đạt hơn 1,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.
Việt Nam là quốc gia có nhiều loại nông sản đặc sắc được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng như sầu riêng, cà phê… Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn cho nông dân Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay vẫn là điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản…. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là nước cung cấp hàng hóa quan trọng cho Việt Nam với các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng… cho đến đồ gia dụng.
Theo Tổng cục Hải quan, các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và gia tăng nhập khẩu trong thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản. Đặc biệt, thị trường tỷ dân này tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối…
Được biết, đến nay, có 12 mặt hàng rau quả; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại được XK chính ngạch sang Trung Quốc, giúp giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng tốt.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng đã tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại luôn phát triển tích cực. Hơn nữa, vị trí địa lý gần gũi cũng là yếu tố thuận lợi trong việc thúc đẩy hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu giữa hai nước.
Đồng thời lưu ý, Trung Quốc đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất mặt hàng chất lượng cao; tăng cường tiếp cận vùng, chuyển hẳn sang xuất khẩu chính ngạch.
“Tận dụng những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và các chính sách thúc đẩy giao thương, tạo thuận lợi thương mại, xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc trong nửa đầu năm phục hồi ấn tượng. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Những tháng gần đây, đặc biệt tháng 6 và 7, đơn hàng từ Trung Quốc có sự cải thiện rõ rệt nhờ hồi phục về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tác động đáng kể vào số liệu xuất khẩu với bức tranh tăng trưởng ấn tượng”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực và nước này ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để nhập khẩu. Trong bối cảnh, Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến cho nhiều mặt hàng thế mạnh vào thị trường Trung Quốc thì những chính sách “mở” như vậy là tín hiệu tốt, đáng mừng.
Đặc biệt, hiện nay phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Trong đó, Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu.
Riêng đối với lĩnh vực nông sản, hiện nay, các cơ quan chức năng 2 bên đã và đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa thương mại hai nước vẫn còn rộng lớn khi trong thời gian qua, hai bên có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương cũng như hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Trung Quốc đang muốn tham gia.
Ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chuyên gia trưởng về hợp tác thương mại Trung Quốc-ASEAN, cũng đánh giá dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Trung-Việt đang mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Hai bên đang thực hiện hiệu quả các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao và chính phủ hai nước đã đạt được, nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.
Mới đây, một đoàn doanh nghiệp Trung Quốc với khoảng 150 thành viên, trong đó khoảng 50% là các chủ tịch và tổng giám đốc các doanh nghiệp đến thăm Việt Nam.Trong các cuộc tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và tiến hành các hoạt động kết nối, đàm phán rất cụ thể, điều này khẳng định đầy đủ các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Hứa Ninh Ninh cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc rất sẵn sàng đầu tư, phát triển và khởi nghiệp tại Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đã thu hút được các doanh nghiệp Trung Quốc với hàng loạt chính sách ưu đãi và điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mang tính chiến lược, toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tiếp thêm sức sống và động lực mới, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục đạt được những điểm nhấn mới trong tương lai.
Với chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc lần này, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tìm thêm các cơ hội gia tăng các ngành hàng xuất khẩu sang thị trường quốc gia tỷ dân.
Kết quả từ những hợp tác thực chất mới
Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, các dự án kết nối đường sắt cũng được cho sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại mới sắp đi vào thực hiện, kết nối cơ sở hạ tầng liên mạch được coi là yếu tố quan trọng đối với chuỗi cung ứng giữa hai nước. Xét tới năng lực hiện tại, xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại và tốc độ cao là một phương án khả thi.
Nhiều cơ hội hợp tác kinh tế thương mại và cơ sở hạ tầng mới giữa Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng trong tương lai (Nguồn: Báo Lào Cai) |
Tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đề cập vấn đề này, đề xuất các khoản viện trợ và khoản vay để giúp nâng cấp hệ thống đường sắt của Việt Nam. Hai nước cũng đã ký hai biên bản ghi nhớ (MoU) để tăng cường hợp tác đường sắt.
Theo các chuyên gia, đây sẽ là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam và Trung Quốc mong muốn đạt được các kết quả hợp tác thực chất mới.
Căn cứ vào nhu cầu thông thương giữa hai nước, tiềm năng hợp tác có thể đạt được trên ba tuyến đường sắt hiện có từ Lào Cai đến thành phố cảng Hải Phòng qua Hà Nội và từ Lạng Sơn đến Hà Nội, hoặc nghiên cứu xây dựng tuyến thứ ba dọc bờ biển từ Móng Cái đến Hải Phòng.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành của Trung Quốc tài trợ và cung cấp công nghệ cho đường sắt Việt Nam, như nhà sản xuất tàu CRRC và China Railway Signal & Communication.
Việt Nam hiện đang chú trọng thu hút nguồn vốn thực chất và hiệu quả cao để nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng, trong đó mạng lưới đường sắt trong nước đang rất được quan tâm trước tình trạng xuống cấp đáng kể. Trong số đó, tuyến đường cao tốc dài 1.500 km từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, với chi phí ước tính khoảng 70 tỷ USD, đang được đốc thúc cũng là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dong-luc-moi-cho-hop-tac-thuong-mai-dau-tu-viet-nam-trung-quoc-283067.html