Chiều ngày 4/5, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trận dông lốc xảy ra trong ngày tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã gây nhiều thiệt hại.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 11h ngày 4/5, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra dông lốc. Tại trạm khí tượng hải văn Thuận An đo được gió mạnh nhất 19,7m/s (cuối cấp 8, lúc 8h50), trạm Huế 14,4m/s (cấp 7), trạm A Lưới 18m/s (cấp 8). Lượng mưa đo được tại các trạm từ 8h30 đến 11h phổ biến 10-30mm, có nơi cao hơn như: Phú Sơn (Hương Thuỷ) 43,6mm, An Tây (TP.Huế) 41,2mm, Hương Bình (Hương Trà) 39,4mm…
Dông lốc đã khiến nhiều công trình trên địa bàn tỉnh bị hư hại. Như tại khách sạn Stay Hue (số 7 Nguyễn Công Trứ, TP.Huế), dông lốc đã khiến một số tấm kính thang máy ngoài trời bị vỡ rơi xuống đường. Sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động xe phương tiện cùng 10 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường hỗ trợ tháo dỡ tấm kính treo lơ lửng bảo đảm an toàn.
Tại hộ gia đình bà Lê Thị Nguyệt (thôn Liễu Cốc Hạ, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà), dông lốc đã khiến ngôi nhà chính bị cuốn bay nửa mái ngói. Dông lốc cũng đã gây mất điện trên diện rộng nhiều khu vực ở thị xã Hương Trà, như các phường Tứ Hạ, Hương Vân, Hương Chữ, các xã Bình Tiến, Bình Thành, Hương Bình. Hiện Điện lực Hương Trà đang khắc phục sự cố để cấp điện trở lại.
Đặc biệt, dông lốc đã khiến lượng lớn diện tích lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị đổ ngã. Theo thống kê bước đầu, toàn tỉnh đã có 1.287,5 ha lúa bị đỗ ngã, gây khó khăn lớn cho công tác thu hoạch.
Trong đó, huyện Quảng Điền có 450,5 ha lúa bị đổ ngã, huyện Phú Vang 150 ha, thị xã Hương Trà 200ha, thị xã Hương Thuỷ 300 ha, TP.Huế 150 ha, huyện Phong Điền 22 ha, huyện Phú Lộc 15ha.
Ngay sau dông lốc xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh đã đi hiện trường, chỉ đạo các địa phương tổ chức nắm tình hình, thống kê, báo cáo nhanh thiệt hại để có phương án khắc phục hậu quả do dông lốc, nhất là các diện tích lúa bị đổ ngã.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đi kiểm tra hiện trường chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp huy động tối đa công suất của các loại máy gặt để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đông xuân còn lại, đồng thời huy động các lực lượng thanh niên, dân phòng, quân đội, công an… sẵn sàng giúp người dân thu hoạch lúa kịp thời.
Trước đó, vào chiều và tối ngày 2/5 trên địa bàn huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xảy ra dông lốc khiến nhiều công trình nhà ở, trường học bị tốc mái và hơn 424ha lúa đông xuân bị đổ ngã.
Nguồn: https://danviet.vn/dong-loc-o-thua-thien-hue-gay-mat-dien-dien-rong-gan-1300-ha-lua-bi-do-nga-20240504170736887.htm