Nhộn nhịp trên công trường cầu
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tỉnh Đồng Tháp có ba cầu được nâng tĩnh không là cầu Giồng Găng thuộc huyện Tân Hồng, cầu Hồng Ngự thuộc thành phố Hồng Ngự và cầu Sa Đéc thuộc thành phố Sa Đéc.
Trên công trường, hàng chục công nhân cùng nhiều máy móc, thiết bị đang được vận hành thi công liên tục.
Ông Võ Văn Quang, Phó chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông cho biết, cầu Hồng Ngự được công ty triển khai thi công cuối tháng 5/2024.
Đến nay, tiến độ thực hiện dự án đạt hơn 10%. Hiện tại, công ty bố trí cho công nhân thực hiện các phần việc như tháo dỡ cầu cũ, khoan cọc nhồi và thực hiện kết cấu phần dưới của cây cầu.
Để làm được việc này, công ty đã huy động 30 công nhân cùng 10 máy móc, thiết bị chuyên dụng đến công trường. Công tác thi công đến thời điểm này cơ bản thuận lợi và nhà thầu đang cố gắng làm tốt phần việc được giao.
“Phần cầu cũ đã được tháo dỡ xong, công ty đang tổ chức cho công nhân trục vớt vật liệu thải. Đồng thời, trong 3 đến 4 ngày nữa, công ty sẽ cho tập kết nguyên vật liệu về công trường”, ông Quang nói.
Còn tại cầu Sa Đéc, ông Phạm Minh Tâm, cán bộ kỹ thuật, Công ty Tập đoàn Đạt Phương số 2 cho biết, dự án được công ty tổ chức thi công tháng 4/2024. Hiện tại, trên công trường, nhà thầu cho công nhân thi công cầu tạm.
“Cầu tạm được công ty cho thông xe vào ngày 20/8. Đồng thời, trong thời gian này, nhà thầu cũng sẽ cho công nhân tháo dỡ cầu cũ để bắt đầu làm mới cầu Sa Đéc”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cho biết thêm, cầu tạm sau khi thông xe chỉ dành cho xe mô tô, xe gắn máy và người đi bộ. Các phương tiện ô tô, kể cả xe máy ba bánh sẽ phải đi theo hướng phân luồng theo quy định.
“Hiện tại, công ty cũng đã cắm biển phân luồng theo chỉ định của cơ quan chuyên môn nhằm tổ chức lại giao thông khi cầu Sa Đéc cũ được tháo dỡ”, ông Tâm thông tin.
Tích cực tháo gỡ mặt bằng
Cũng theo ông Tâm, cầu Sa Đéc cũ có độ thông thuyền ngang 20m và cao 4,6m. Trong khi, theo thiết kế, cầu mới có độ thông thuyền ngang 38m và cao 7m. Đến nay, tiến độ thi công đạt 30%.
“Tuy nhiên, cái khó hiện tại mà nhà thầu gặp phải là còn vướng mặt bằng thi công. Công ty lo ngại sau khi cầu cũ được tháo dỡ, việc thi công sẽ khó vì mặt bằng sạch thi công không nhiều”, ông Tâm cho biết.
Ông Trần Văn Tuấn, đơn vị tư vấn, giám sát cầu Hồng Ngự cho biết, sau khi hoàn thành việc nâng tĩnh không, cầu Hồng Ngự mới có độ thông thuyền ngang lớn hơn 5,5m và cao hơn 2m so với cầu cũ.
Theo đánh giá, nhà thầu cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch thi công đã được đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện còn khó do vướng mặt bằng của một hộ dân với ba vị trí phía đầu cầu bên phường An Thạnh.
“Hộ dân này trước đó đã khiếu kiện nhiều năm khi thi công quốc lộ 30. Hiện tại, việc nâng tĩnh không cầu Hồng Ngự trên tuyến đường này tiếp tục vướng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Còn với cầu Giồng Găng, cầu cũ có độ thông thuyền ngang 20m và cao 4m. Sau khi được nâng tĩnh không, độ thông thuyền có chiều ngang được nâng lên 25m và cao 6m.
Lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư) cho biết, hệ thống các cầu hiện có đã và đang góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua.
Đồng thời, hệ thống các cây cầu hiện hữu tạo sự kết nối liên tục và thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, muốn phát triển hơn nữa, một số cầu ở Đồng Tháp cần được nâng tĩnh không, trong đó có ba cầu là Hồng Ngự, Giồng Găng và Sa Đéc. Bởi sau thời gian sử dụng, các cây cầu này ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đặc biệt là vào mùa lũ, nước dâng cao.
Thời gian thực hiện nâng tĩnh không đối với ba cây cầu này là 18 tháng. Đến nay, tiến độ thi công của dự án đạt gần 13%.
Trong đó, việc thực hiện nâng tĩnh không cầu Giồng Găng, nhà thầu đã huy động được một phần vật tư, thiết bị đến công trường, thi công hoàn thành 1/7 vị trí mố, trụ cầu tạm.
Cầu Hồng Ngự, nhà thầu đã thi công hoàn thành 16/58 cọc khoan nhồi, bệ va thân trụ T1, bệ mố M1 và hoàn thành tháo dỡ cầu cũ. Hiện đang thi công cọc khoan nhồi trụ T3 đến trụ T6, bê tông cốt thép xà mũ trụ T1, bệ trụ T2 và mố M2.
Còn đối với tiến độ thi công cầu Sa Đéc, nhà thầu đã hoàn thành 7/7 vị trí mố/trụ cầu tạm. Đồng thời, đang thi công đường tạm, gia công và lắp đặt một nhịp dầm còn lại để hoàn thiện và dự kiến thông xe cầu tạm theo thời gian quy định.
“Riêng đối với việc vướng mặt bằng thi công, chủ đầu tư cũng thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tích cực tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, phù hợp tình hình thi công thực tế của nhà thầu”, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết thêm.
Cầu Sa Đéc có tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,51ha, với tổng số hộ phải bồi thường là 83 hộ.
Cầu Hồng Ngự có tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,665ha, với tổng số hộ phải bồi thường là 95 hộ.
Cầu Giồng Găng tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,665ha, với tổng số hộ phải bồi thường là 3 hộ nằm bên phía ĐT842 thuộc xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dong-loat-nang-tinh-khong-3-cau-o-dong-thap-192240815161929423.htm