Đồng loạt kiến nghị nộp tiền thay xây nhà
Trong nhiều báo cáo tổng kết về chương trình phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết, một trong các nguyên nhân gây tình trạng khủng hoảng thiếu nhà ở xã hội là nhiều địa phương không chú trọng dành quỹ đất phát triển loại hình nhà ở này. Không ít dự án nhà ở thương mại ở nhiều tỉnh, thành thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội, nhưng lại gửi văn bản xin nộp tiền thay vì xây nhà cho người nghèo.
Đơn cử, theo tài liệu Thanh Niên thu thập được, tháng 8.2019, Bộ Xây dựng nhận được đề nghị cho ý kiến về việc UBND tỉnh Bình Định kiến nghị không thực hiện dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư đô thị trên địa bàn.
Bộ Xây dựng nêu ý kiến, theo quy định pháp luật, các dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại quy mô 10 ha trở lên tại đô thị loại 3 trở lên đều phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Nếu tỉnh Bình Định đề xuất không dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội trong các dự án đô thị mới, cho phép các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền thì phải làm rõ nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực dự án chi tiết; sự không phù hợp bố trí quỹ đất 20% tại từng dự án; không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt… báo cáo Thủ tướng xem xét đối với từng dự án.
Một ví dụ khác là dự án khu đô thị Việt Hòa – Thanh Bình quy mô 13,5 ha ở TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) do Công ty TNHH Tập đoàn Quang Giáp làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 12.2017.
Ngay từ khâu quy hoạch, UBND tỉnh Hải Dương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã họp, thống nhất không bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trong khu đô thị này. Khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải thanh toán bằng tiền để bổ sung vào quỹ phát triển nhà ở xã hội của tỉnh theo quy định. Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương đã đề xuất lên Chính phủ cho phép thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền.
Tháng 6.2020, Bộ Xây dựng cho ý kiến: khẳng định theo quy định pháp luật, dự án thuộc diện phải dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng nhận thấy có thể xem xét cho phép dự án không bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội. Điều kiện kèm theo là bố trí quỹ đất khác tương ứng trên địa bàn; nộp đủ tiền phát triển nhà ở xã hội tương ứng 20% quỹ đất tại dự án; UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các chủ đầu tư có quỹ đất nhà ở xã hội trên địa bàn khẩn trương triển khai các dự án để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tại địa phương.
Tương tự, tháng 12.2020, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ không bố trí 20% quỹ đất nhà ở xã hội tại dự án khu đô thị kiểu mẫu Tây Bắc, quy mô 76 ha ở P.Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Theo quy định, 20% quỹ đất nhà ở xã hội là hơn 5 ha.
Tháng 4.2021, UBND TP.Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ không dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án “Không gian sáng tạo”, quy mô hơn 17 ha tại P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng)…
2 trường hợp dự án ở Quảng Nam và Đà Nẵng này, Bộ Xây dựng đều nêu ý kiến thuộc thẩm quyền xem xét, chấp thuận của Thủ tướng kèm theo các điều kiện về làm rõ quy hoạch, bố trí quỹ đất tương ứng…
Kéo dài tình trạng lệch pha cung – cầu thị trường bất động sản
Tháng 12.2020, UBND tỉnh Đồng Nai có gửi văn bản đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền tại 3 dự án trên địa bàn H.Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), gồm: dự án khu dân cư đô thị The Lake tại xã Long Tân, quy mô 35,3 ha; dự án khu dân cư đô thị tại xã Long Tân, quy mô hơn 34 ha; dự án khu dân cư tại xã Phước Thiển, quy mô gần 53 ha.
Bộ Xây dựng nêu ý kiến, trường hợp 3 dự án nêu trên đều thuộc diện phải dành quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội. Đồng thời, Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ phát triển nhà ở xã hội thấp, chỉ đạt 15%, H.Nhơn Trạch đạt 10% so với chương trình phát triển nhà ở của địa phương.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn còn khá lớn nên Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai dành quỹ đất 20% tại các dự án kể trên để phát triển nhà ở xã hội và tập trung đẩy mạnh.
Trường hợp UBND tỉnh Đồng Nai không dành quỹ đất 20% tại các dự án kể trên làm nhà ở xã hội, cần làm rõ sự không phù hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét. Nếu được chấp thuận, cần bố trí quỹ đất tương ứng, nộp tiền phát triển nhà ở xã hội tương ứng với quỹ đất 20% tại 3 dự án.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng pháp luật hiện hành cho phép nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng 2 hình thức là xây nhà hoặc nộp tiền. Việc nhiều địa phương ủng hộ doanh nghiệp, đề xuất xin cấp T.Ư cho phép nộp tiền sử dụng đất thay vì xây nhà ở xã hội là không trái pháp luật.
Tuy nhiên, hệ lụy là tình trạng lệch pha cung – cầu trên thị trường bất động sản kéo dài, người có nhu cầu ở thực thì không mua được nhà, còn xã hội lại dư thừa nhà ở cao cấp. Do vậy, các địa phương phải rà soát, xây dựng kỹ lưỡng kế hoạch phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân, tránh lãng phí nguồn lực.
Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, các báo cáo thống kê, tổng kết về thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng đều nêu về tình trạng lệch pha cung – cầu: thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân.
Khi luật Nhà ở 2014, luật Kinh doanh bất động sản 2014 được ban hành, có hiệu lực, nhiều người đã kỳ vọng giải quyết được tình trạng lệch pha cung – cầu kể trên. Nhưng đến nay, khi 2 bộ luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, chờ Quốc hội thông qua, ban hành thì vấn đề giải quyết không cân bằng cơ cấu nguồn cung nhà ở xã hội vẫn tiếp tục được đặt ra.
Nhiều báo cáo nghiên cứu của các hội nghề nghiệp, công ty liên quan đến thị trường bất động sản cũng chỉ ra, căn hộ bình dân đã “tuyệt chủng” tại các đô thị đặc biệt, trung tâm chính của thị trường bất động sản là TP.HCM, Hà Nội. Điều này giống như đóng sập cơ hội sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp, tầng lớp bình dân tại đô thị lớn.
Cần quy định đặc thù để phát triển nhà ở xã hội
TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cho rằng thực tế không thiếu những trường hợp vì thu hút đầu tư mà địa phương phải ưu tiên, ưu đãi nhiều cho doanh nghiệp, thậm chí là “chiều chuộng hết nấc” để thu hút nguồn lực phát triển tỉnh. Trong đó, cũng có nhiều doanh nghiệp không mặn mà với phát triển nhà ở xã hội nên thường chọn hình thức nộp tiền sử dụng đất thay vì xây nhà ở xã hội và được địa phương ủng hộ.
Nhà ở xã hội dạng căn hộ chung cư chỉ có nhu cầu mạnh ở những đô thị lớn, có nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Còn tại nhiều địa phương, văn hóa, tập quán sinh sống chưa quen với loại hình căn hộ chung cư. Nhất là, giá đất tại nhiều địa phương chưa cao nên nhu cầu người dân chủ yếu là nhà đất, nếu cứ xây căn hộ chung cư làm nhà ở xã hội cũng có thể dẫn tới bỏ hoang, lãng phí.
Ông Đính cho rằng, cần có quy định chặt chẽ về ưu tiên phát triển quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội tại các thành phố lớn, dân số tập trung đông như Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương… để đẩy mạnh an sinh xã hội, hỗ trợ được nhiều người nghèo, công nhân tiếp cận nhà ở, ổn định cuộc sống. Thậm chí, không loại trừ trường hợp có quy định riêng, đặc thù để thúc đẩy bằng được phát triển nhà ở xã hội.