Mới đây, ông Johan van den Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam đã có cuộc trao đổi về chủ đề “Tính bền vững – chìa khóa để tạo lợi thế cho ngành chăn nuôi Việt Nam”. Ông Johan sinh sống tại Việt Nam hơn 6 năm và đã đặt chân tới 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam (thành viên của Tập đoàn De Heus đến từ Hà Lan) – một trong các doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi thị trường độc lập cả về quy mô, sản lượng và doanh thu – ông Johan cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam gần đây đã có nhiều bước tiến đáng kể.
Chăn nuôi Việt Nam có nhiều bước tiến đáng kể
Ông Johan cho biết: “Khoảng 15 năm trước, khi De Heus vào Việt Nam với tư cách một công ty gia đình của Hà lan, các khách hàng chính của chúng tôi là những nhà phân phối các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và giải pháp dinh dưỡng kết hợp với thức ăn do chúng tôi sản xuất, chủ yếu họ bán những sản phẩm này cho những người nông dân nhỏ lẻ – những người chỉ có khoảng 1.000 con gà, 20 con lợn hoặc một số con bò.
Nhưng ngày nay, ngành chăn nuôi Việt Nam đã trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều. Điều này đi đôi với việc mở rộng quy mô trung bình của các trang trại, vì vậy trong danh mục khách hàng của mình, chúng tôi đang làm nhiều dự án kinh doanh trực tiếp hơn với các trang trại cùng với các nhà phân phối, đại lý”.
Chia sẻ quan điểm về tính bền vững trong ngành chăn nuôi, ông Johan van den Ban cho rằng, có thể hiểu tính bền vững là đảm bảo môi trường sống của chúng ta, ví dụ như không có cây xanh nào bị chặt để lấy đất sản xuất. “Tôi thấy rằng nhiều người chưa quan tâm đến tính bền vững, kể cả người tiêu dùng nếu nhìn vào hành vi của họ. Khả năng tiêu thụ có tác động trực tiếp đến cách thức canh tác, chăn nuôi ở Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều quy định chặt chẽ hơn từ Chính phủ Việt Nam so với các quốc gia khác ở Châu Á hoặc trên toàn thế giới nhằm đảm bảo các trang trại chăn nuôi phải tuân thủ các quy định về môi trường” – ông Johan nhận định.
Hiện nay De Heus đang hoạt động cả ở mảng thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Và ông Johan nhận thấy có 2 xu hướng khác nhau. Đối với thuỷ sản, phần lớn sản lượng được xuất khẩu như tôm, cá tra, các loại cá biển đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… – là những nơi có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh. Và vì vậy, các nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất thuỷ sản biết phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngày càng cao.
Trong khi với mảng chăn nuôi, hiện chủ yếu tiêu thụ trong nước. Nếu các trang trại trở nên chuyên nghiệp hơn, giảm thiểu thuốc kháng sinh thì ngành chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu một phần lớn cho các thị trường.
“Để làm được điều đó, nhất định cần phải áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn từ khâu sản xuất của người nông dân, đảm bảo rằng mọi người luôn có thể tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm lành mạnh và giá cả phải chăng. Tôi tin rằng thị trường nội địa hơn 100 triệu dân chính là cơ hội lớn, khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi thì sẽ từng bước thay đổi cách làm của người chăn nuôi. Tuy nhiên tất cả phải bắt đầu từ tư duy, người nông dân phải suy nghĩ hàng ngày về điều đó” – ông Johan khẳng định.
De Heus xây dựng 4 trụ cột phát triển bền vững
Ông Johan cho biết, Tập đoàn De Heus Hà Lan xây dựng chiến lược phát triển bền vững với 4 trụ cột chính. Dưới mỗi trụ cột có các dự án để đảm bảo các mục tiêu đặt ra được thực hiện, đồng thời áp dụng trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng hiện nay.
“Một là thức ăn chăn nuôi vì thực phẩm. Hai là chuỗi cung ứng bền vững, bao gồm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ đâu, có rõ ràng minh bạch không? Ba là chăm sóc cộng đồng, bao gồm cả các làng quê nơi khách hàng chúng tôi là nông dân, đại lý… Cuối cùng là liên quan đến đội ngũ công ty – những người đang đóng góp cho sự phát triển chung của De Heus, chúng tôi không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, mang lại môi trường làm việc an toàn, cũng như cơ hội để các nhân viên phát triển bản thân” – ông Johan nói.
Để thực hiện 4 trụ cột này tại thị trường Việt Nam, Tổng Giám đốc Johan van den Ban cho biết, hàng ngày, đội ngũ hàng trăm chuyên gia kỹ thuật của De Heus đều làm việc với bà con nông dân để cung cấp cho họ các giải pháp như hệ thống silo cho thức ăn hiệu quả hơn, qua đó bà con không cần dùng bao bì nữa. De Heus cũng giúp bà con tính toán được tác động của việc chăn nuôi tại trang trại lên môi trường, qua đó chúng tôi muốn giúp họ nhận thức được rằng, sớm hay muộn họ cũng sẽ phải tham gia vào hành trình hướng tới Net Zero.
“Các trang trại lớn, người trẻ sẽ đi tiên phong, và chúng tôi sẽ kết nối họ với những người mua hàng có yêu cầu cao về chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn thị trường quốc tế… Chúng tôi đã làm điều này trong nhiều năm ở những nơi De Heus có mặt, trong đó có Việt Nam với mong muốn dẫn dắt họ theo con đường phát triển bền vững, giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận thu về” – ông Johan nói.
Ông Johan cũng khẳng định chiến lược quan trọng của Tập đoàn De Heus từ hơn 100 năm nay, đó là không cạnh tranh với người chăn nuôi mà là đối tác của bà con. “Tôi nghĩ rằng sự hợp tác mới là quan trọng, bởi xét cho cùng họ chính là “chìa khoá”, nếu không có người nông dân, thì chúng tôi không có gì cả” – ông Johan khẳng định.
Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam vì mục tiêu Net Zero
Chia sẻ về mục tiêu Net Zero vào năm 2050, ông Johan cho biết: “Đó là một mục tiêu đầy tham vọng và chúng tôi rất ủng hộ điều đó. Hiện De Heus Việt Nam đang tham gia rất tích cực vào các công việc khác nhau với tư cách là “chủ nhà”, cùng với Bộ NNPTNT, các hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam… Giải pháp lúc này là cần có một cơ sở dữ liệu rõ ràng, các chỉ dẫn, chính sách để tạo ra một sân chơi bình đẳng thu hút các doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia, cam kết cùng nhau giảm phát thải khí nhà kính”.
Sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam, vị Tổng Giám đốc người Hà Lan cho biết: “Tôi rất mong muốn cải thiện thương mại và đời sống xã hội của mình, vì vậy chúng tôi muốn xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, trước mắt là mục tiêu xuất khẩu thịt gà sang thị trường Halal. Trước đây chúng ta đã xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường khác nhưng sản lượng nhỏ. Muốn xuất khẩu nhiều hơn, phải xây dựng được cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của các thị trường mà ta muốn xuất khẩu”.
Nói về kế hoạch 5 năm tới, ông Johan cho biết De Heus đang có kế hoạch thâm nhập vào một số thị trường mới ở Đông Nam Á, ví dụ như Philippines.
“Với kinh nghiệm, di sản De Heus đã xây dựng được trong nhiều năm qua, cũng như với 15 năm kinh nghiệm có được tại Việt Nam, chúng tôi sẽ rất tự hào khi thâm nhập vào những thị trường như vậy và tin chắc sẽ thành công. Chúng tôi có nhiều đồng nghiệp tài giỏi, phần lớn là người Việt Nam sẽ tham gia vào hành trình mới của De Heus” – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/tong-giam-doc-de-heus-viet-nam-johan-van-den-ban-dong-hanh-xay-dung-tuong-lai-ben-vung-cho-nganh-chan-nuoi-20241013170902607.htm