Tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư sản xuất; hỗ trợ ngày công, con giống; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao khoa học kỹ thuật; kết nối liên kết tiêu thụ nông sản… là những việc làm thiết thực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Than Uyên đã và đang thực hiện nhằm đồng hành cùng hội viên, phụ nữ vượt khó, làm giàu.
Chúng tôi cùng cán bộ Hội LHPN huyện, xã Mường Mít đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của hội viên Lò Thị Thanh Thảo ở bản Mường. Gia đình chị Thảo đang nuôi hơn 150 con gà thương phẩm, trên 10 con lợn, 6 con trâu. Chị Thảo phấn khởi: Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi trâu với vài con lợn. Đầu năm nay, được cán bộ hội động viên, tôi tận dụng diện tích vườn làm chuồng nuôi thêm gà; tăng số lượng đàn lợn. Trong quá trình thực hiện, gia đình luôn có cán bộ hội đồng hành, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi. Nhờ được nâng cao kiến thức và áp dụng phương pháp khoa học mới, tôi chăn nuôi hiệu quả hơn.
Mường Mít là một trong những xã vùng xa của huyện Than Uyên. Trước đây, hầu như kinh tế mỗi hộ đều phụ thuộc vào người chồng đi làm thuê; một số hộ kinh tế khá hơn nhờ vào chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại; sản xuất nông nghiệp đa số theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ. Còn giờ đây, hội viên, phụ nữ hăng hái, chủ động tham gia phát triển kinh tế, vượt khó làm giàu.
Chị Hoàng Thị Phấn – Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Mít chia sẻ: Nhiều hội viên, phụ nữ trong xã mạnh dạn làm chủ kinh tế gia đình. Các chị bảo ban, giúp nhau xây dựng mô hình kinh tế mới như: trồng cây ăn quả, nuôi ốc nhồi, chăn nuôi đại gia súc… Tạo động lực cho hội viên vươn lên, chúng tôi khuyến khích vay vốn qua uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tiết kiệm của chi hội. Điển hình như hội viên Lò Thị Bạn ở bản Vè được vay 50 triệu đồng nuôi gà, vịt. Sau thời gian ngắn, gia đình xuất bán được 60 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng; số dư chị tiếp tục đầu tư chăn nuôi và có vốn mua giống trồng ớt. Hiện nay, trên địa bàn xã gần như không còn gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên thăm mô hình kinh tế của hội viên xã Mường Cang.
Huyện Than Uyên có 13 cơ sở hội, trong đó 12 Hội LHPN xã, thị trấn và 1 Hội Phụ nữ cơ sở Công an huyện với 131 chi hội, 13.770 hội viên. Những năm qua, các cấp hội tích cực triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Lai Châu nhân ái, tự tin, sáng tạo, khát vọng phát triển” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phong trào phát triển kinh tế được các cấp hội cơ sở chú trọng quan tâm thực hiện với quyết tâm “không để hội viên phụ nữ nghèo”.
Chị Khuất Thị Thuý Nga – Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hàng năm, Huyện hội tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đỡ hội viên, phụ nữ sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp. Hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về vốn, giống, đầu tư phát triển kinh tế. Vận động các chi hội xây dựng quỹ tiết kiệm thông qua mô hình trồng lạc, trồng gừng… cho hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn. Vào mùa vụ, hội huy động chị em góp ngày công làm đất, gieo trồng, thu hoạch nông sản cho hội viên; kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm trên các trang mạng xã hội, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá, quyên góp, ủng hộ quỹ xây dựng “Mái ấm tình thương” cho hội viên nghèo; tặng quà học sinh thuộc gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
6 tháng đầu năm 2023, Hội LHPN huyện huy động hội viên giúp đỡ 399 ngày công lao động (làm cỏ, chăm sóc chè, cấy lúa, gặt lúa…), 1 con lợn giống, 93 gánh củi, 163kg gạo và tiền mặt cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp triển khai thực hiện các tiểu Dự án Inkota (Thúc đẩy sự tham gia của người dân và các dự án tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống) với các mô hình: trồng hơn 4,5ha dưa hấu, 1,2ha rau sạch tại Chi hội Phụ nữ bản Thẳm Phé, bản Hàng (xã Mường Kim); nuôi trâu, bò vỗ béo tại Chi hội Phụ nữ bản Pá Khôm và nuôi gà đen tại bản Huổi Bắc (xã Pha Mu). Tạo điều kiện cho 126 hội viên, phụ nữ tham gia các lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi. Đến thời điểm này, các chi hội gây quỹ tiết kiệm được 205 triệu đồng, giúp 115 lượt hội viên, phụ nữ vay không lãi để sản xuất, kinh doanh; 526 hội viên phụ nữ đứng tên vay vốn ngân hàng với tổng số tiền trên 38 tỷ đồng…
Từ những hỗ trợ thiết thực của Hội LHPN các cấp, nhiều chị em vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu cho ý chí vượt khó trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như các chị: Hoàng Thị Hoan ở bản Nà Dân, Lường Thị Sởn ở bản Nà Đình (xã Mường Kim) bán hàng tạp hoá, chăn nuôi lợn thịt, gà, vịt, trồng bí xanh, khoai tây… thu nhập ổn định 60 – 80 triệu đồng/năm; chị Vì Thị Thân ở bản Lả Mường, Nùng Thị Phương ở bản Cang Mường (xã Mường Cang) nuôi trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu nhập từ 150 – 180 triệu đồng. Đời sống của gia đình hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện được nâng lên, có điều kiện nuôi con học hành đầy đủ và xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.