(Dân trí) – Sau trận động đất mạnh chiều 1/1 tại Nhật Bản, nhiều người Việt vội tháo chạy tìm nơi trú ẩn trong các trường học.
Sau trận động đất mạnh 7,6 độ chiều 1/1, anh Đình Chiểu (sống tại tỉnh Ishigawa) lên mạng xã hội tìm nơi trú ẩn. Biết được các trường học ở Nhật Bản sẽ mở cửa để người dân đến trú ẩn khi xảy ra sự cố, anh tìm đến một trường học gần nhà.
Ngôi trường hai tầng, chứa được khoảng 100 người dân. Tại đây, chăn và chiếu đã được chuẩn bị sẵn.
“Tôi chạy khỏi nhà, chỉ kịp mang theo thứ quan trọng nhất là hộ chiếu và giấy tờ tùy thân, thêm chút nước và mỳ gói”, anh Chiểu nhớ lại.
Chàng trai Việt kể, bắt đầu cảm nhận những rung chấn mạnh từ 16h10 (14h10 giờ Việt Nam), đồ đạc trong nhà rơi vãi lung tung.
“Một tiếng sau động đất, tôi vẫn cảm thấy buồn nôn”, anh nói và cho hay chưa nghĩ ngay đến việc trú ẩn vì nghĩ trận động đất này có cường độ nhỏ như mọi lần.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi anh Chiểu thấy người dân xung quanh đều tháo chạy ra ngoài xem xét tình hình. Loa cảnh báo vang liên hồi, trực thăng bay quanh khu vực nơi anh sinh sống cách biển 900m trước nguy cơ sóng thần.
Anh Chiểu cùng bạn nghỉ ngơi tại trường học khoảng 2 tiếng, sau đó ra về khi cơ quan chức năng thông báo không có sóng thần. Khi anh về nhà, dư chấn vẫn liên tục xảy ra. Đến 12h ngày 2/1, trận động đất cường độ nhẹ tiếp tục làm rung chuyển thành phố nơi anh sinh sống.
“Nhật Bản cảnh báo động đất kéo dài thêm 5 ngày nữa. Đây là trận động đất lớn nhất mà tôi trải qua trong 5 năm sinh sống tại đây”, anh nói.
Trong lúc nấu cơm, chị Trần Linh (sống tại thành phố Komatsu, tỉnh Ishikawa) phát hiện động đất mạnh và cảnh báo sóng thần. Không kịp phản ứng, chị tháo chạy ra ngoài theo người Nhật đến một trường học gần nhà.
Tầng 4 và 5 của trường học đã kín người. Ngoài người dân địa phương, các công ty lân cận cũng đưa các thực tập sinh đến trú ẩn. Trong ảnh là một ngôi trường chị Trần Linh đến lánh nạn.
“Nghiệp đoàn thông báo sẽ có thêm một trận động đất lớn nữa, khuyến cáo tôi không ra ngoài, chuẩn bị một số đồ thiết yếu như: hộ chiếu, thẻ cư trú, tiền mặt, đồ ăn và nước uống, sẵn sàng trong mọi tình huống sơ tán”, cô gái Việt kể.
Quỳnh An, sống tại Noto tâm chấn động đất, cho biết, nhiều con đường gần nhà bị sụt lún, nứt toác, nhà cửa bị đổ sập.
Thời điểm hiện tại, xe cứu hỏa, xe cứu thương vẫn liên tục hú còi di chuyển đến các điểm chịu thiệt hại nặng nề. Trong ảnh là khung cảnh tan hoang ở một khách sạn.
Do ảnh hưởng của động đất, hệ thống đường ống nước bị ảnh hưởng, nhiều nơi không có nước uống và nước sinh hoạt.
Sáng 2/1, Quỳnh An tranh thủ đạp xe tới siêu thị cách nhà 2km để mua nước uống và đồ dùng thiết yếu. Khung cảnh bên trong siêu thị vẫn bị ảnh hưởng của vụ động đất, hàng hóa rơi đổ khắp nơi.
“Dư chấn vẫn liên tiếp xuất hiện khiến tôi và các bạn cùng nhà vô cùng lo lắng. May mắn là chúng tôi vẫn trong thời gian nghỉ lễ nên chưa phải di chuyển nhiều”, cô gái trẻ nói.
Điện thoại của Lê Tuấn Anh (29 tuổi) và Kim Chi (30 tuổi, cùng sống tại tỉnh Ishikawa) liên tục vang lên cảnh báo động đất và sóng thần trong chiều 1/1.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo “sắp có rung chấn mạnh, hãy bình tĩnh và tìm nơi trú ẩn gần bạn”. Trong một cảnh báo sóng thần, họ yêu cầu người dân “sơ tán ngay lập tức ra khỏi các vùng ven biển và ven sông, đến một địa điểm an toàn hơn”.
Tuấn Anh bàng hoàng khi thấy những con đường gần nhà xuất hiện vết nứt lớn, bờ biển cách nhà chưa đến 500m bỗng trở nên “giận dữ”. Các tuyến tàu nhanh chóng dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Đỗ Phương (26 tuổi, sống tại thị trấn Nakanoto, tỉnh Ishikawa) cũng vội tháo chạy ra ngoài, chỉ kịp mang theo giấy tờ cá nhân, khi trận động đất kinh hoàng xảy ra.
Khu vực cô gái Việt sinh sống thuộc tâm chấn động đất ở vùng Noto, tỉnh Ishikawa, khiến một vài ngôi nhà xung quanh hư hỏng nặng.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phát đi thông báo bảo hộ công dân tại khu vực xảy ra động đất và sóng thần tại các tỉnh ven biển Nhật Bản.
Theo đó, đại sứ quán đề nghị công dân Việt Nam sinh sống tại các khu vực dự báo cần tuân thủ các biện pháp cảnh báo của phía Nhật Bản, nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn.
Trong trường hợp khẩn cấp, công dân liên hệ tới số máy bảo hộ công dân hoặc đầu mối phụ trách cộng đồng người Việt tại địa phương gần nhất.
+ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81-80-3590-9136, hoặc +81-80-20346868, +81-90-1255-5537
+ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka: +81-90-4769-6789
+ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka: +81-92263-7668
Ảnh: Người Việt tại Nhật Bản cung cấp