Theo đó, buổi sáng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì buổi làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí: Tô Văn Từ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy.
Tại buổi làm việc, đồng chí Tô Văn Từ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã báo cáo khái quát một số nội dung về công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ của ngành tổ chức xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Theo đó, bám sát quy định chức năng, nhiệm vụ được giao, Kế hoạch trọng tâm công tác năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Nổi bật là đã tham mưu các giải pháp trọng tâm nhằm cụ thể hóa một trong ba khâu đột phá của tỉnh về công tác cán bộ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 như: tham mưu ban hành Kế hoạch về luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026; Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong kết nạp đảng viên. Ban cũng đã tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các khâu của công tác cán bộ, theo hướng ngày càng đồng bộ, thống nhất, liên thông, mở rộng phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử gắn với tinh giản biên chế. Đã tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương Bí thư, Chủ tịch cấp huyện, cấp xã không là người địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bố trí được 6/8 Bí thư cấp ủy cấp huyện và 6/8 Chủ tịch UBND huyện, thành phố không là người địa phương; 79/143 Bí thư Đảng ủy và 43/143 Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không là người địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi làm rõ một số vấn đề về công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Đảng như: Đảng lãnh đạo công tác cán bộ trong các cơ quan Nhà nước; về quản lý, sử dụng biên chế; công tác phát triển đảng viên, quản lý đảng viên; công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý…
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo đó, Trường đã tập trung tham mưu triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho các đối tượng; phối hợp hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của trung tâm chính trị cấp huyện. Trong đó đã trực tiếp giảng dạy và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 139 lớp đào tạo, bồi dưỡng với trên 10.000 học viên. Đã thực hiện sắp xếp, tinh giảm số lượng khoa, phòng từ 7 xuống còn 5, bảo đảm tinh gọn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Thực hiện Đề án “xây dựng Trường Chính trị tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay Trường đã đạt 42/55 tiêu chí Chuẩn mức 1 (đạt tỷ lệ 76%). Đội ngũ cán bộ, ngũ giảng viên của Trường được quan tâm bồi dưỡng thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Năm 2022, Trường được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.
Từ thực tế hoạt động, Trường Chính trị tỉnh đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm xem xét bổ sung biên chế và có cơ chế đặc thù nâng ngạch giảng viên chính; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho nhà trường, tạo điều kiện để xây dựng Trường đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2024 và đạt chuẩn mức độ 2 vào năm 2030.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, qua đó đã làm rõ những vấn đề trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng của tỉnh thời gian qua.
Ghi nhận những kết quả mà Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh đạt được trong thời gian qua; lưu ý những khó khăn, hạn chế cũng như những thách thức, những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện tốt các quy định, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên. Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác luân chuyển, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ cán bộ và các mặt công tác khác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.
Trường Chính trị tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ tính chủ động, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là vai trò của Ban Giám hiệu nhà trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tiếp tục nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; phân loại các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu, đào tạo theo đơn “đặt hàng” của các cơ quan, đơn vị…
*Trong chương trình buổi chiều, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã chủ trì buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Cùng dự có lãnh đạo các cơ quan: Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Công an tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã báo cáo tóm tắt một số kết quả công tác tuyên giáo trong thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Nổi bật đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng có nền nếp, chất lượng, hiệu quả; phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu của Trung ương và của Tỉnh ủy. Tham mưu lãnh đạo và triển khai có hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lựa chọn, triển khai chủ đề công tác hằng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị của tỉnh tập trung thực hiện.
Đã thường xuyên định hướng tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước; định hướng về chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, cơ quan thông tin, tuyên truyền, Hội Văn học – nghệ thuật, Hội Nhà báo; nghiên cứu, biên soạn và hướng dẫn, đôn đốc công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống của các ngành, địa phương.
Đã chỉ đạo có hiệu quả công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch… Đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản về tăng cường chỉ đạo, định hướng thông tin trên mạng internet và các loại hình truyền thông khác. Tích cực, chủ động tham mưu, hưởng ứng tham gia các cuộc thi, hội thi do Trung ương phát động bảo đảm nghiêm túc, bài bản và có chất lượng.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh đã báo cáo đặc điểm tình hình kết quả nổi bật hoạt động của các cơ quan trong năm 2022 và quý 1/2023.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, quản lý, hướng dẫn hoạt động đối với các đơn vị trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, thông tin đối ngoại và thông tin cơ sở.
Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng trong định hướng tuyên truyền, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân.
Báo chí địa phương đã phản ảnh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, chất lượng thông tin nhìn chung được nâng lên, công tác xuất bản, phát hành thực hiện tốt. Báo điện tử, trang thông tin điện tử từng bước tạo thành kênh cung cấp thông tin chính thống, là nguồn dẫn thông tin cho các trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh.
Đặc biệt, Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh đã có sự chủ động hơn trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phục vụ đắc lực yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân.
Làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng nêu hạn chế, khó khăn, đề xuất các giải pháp, đồng thời đề xuất các kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới như: tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị làm việc; kịp thời bổ sung kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, truyền thông…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị thuộc khối tư tưởng, báo chí, truyền thông, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh.
Lưu ý những khó khăn, thách thức và yêu cầu của công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, trong đó xác định những vấn đề trọng tâm, bảo đảm cung cấp, dẫn dắt, lan tỏa các thông tin chính thống, tích cực. Tham mưu tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có đổi mới việc sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ. Làm tốt công tác chỉ đạo nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cần quan tâm đổi mới công tác quản lý báo chí; tập huấn, trang bị kỹ năng ứng xử khủng hoảng truyền thông. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức.
Nhấn mạnh về sứ mệnh của Báo Đảng địa phương trong định hướng giá trị chính trị, tư tưởng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý Báo Ninh Bình cần tập trung đào tạo, xây dựng những cây bút chuyên luận sắc sảo, giàu tính chiến đấu, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tránh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Chú trọng nâng cao chất lượng Báo điện tử.
Chia sẻ những khó khăn, áp lực mang tính đặc thù của Đài PT-TH địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng trong thời gian tới cần có sự đầu tư thỏa đáng cho chuyển đổi số trong ngành, đáp ứng yêu cầu của truyền thông hiện đại.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng trao đổi về một số kiến nghị của cơ quan, đơn vị.
Đinh Ngọc – Đức Lam – Anh Tú