Ngày 4/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”. Đây là hoạt động thường niên được VCCI triển khai từ năm 2018.
Trình bày báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho hay, đối với câu hỏi về tính dự đoán được của việc thực thi pháp luật, tỷ lệ doanh nghiệp luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được cũng có chiều hướng giảm. Nếu như năm 2014, có 8,27% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của chính quyền địa phương đối với quy định pháp luật Nhà nước, đến năm 2020 chỉ còn 5,56%.
Đặc biệt, một câu hỏi khác trong điều tra PCI có liên quan đến vấn đề tính ổn định và dự đoán được của việc thực thi pháp luật trong môi trường kinh doanh của Việt Nam là tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng công việc đạt kết quả mong đợi khi trả chi phí không chính thức. Theo ông Đức, tỷ lệ này hiện cũng đang có xu hướng giảm theo thời gian, đến năm 2021 chỉ còn 55,22% doanh nghiệp đồng tình với nhận định này.
Đại diện VCCI cho rằng, mặc dù tính ổn định của pháp luật quan trọng đối với các dự án đầu tư, tuy nhiên, không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật cũ, cần thường xuyên điều chỉnh khi các điều kiện xã hội thay đổi hoặc khi phát hiện ra các bất cập, vướng mắc khi thực thi và điều chỉnh phù hợp hơn. Do đó, các giải pháp luôn cần tìm điểm cân bằng giữa việc duy trì tính ổn định để tạo lập niềm tin kinh doanh.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nêu rõ, một số “dòng chảy” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật trong bối cảnh năm 2022 nhiều biến động và thách thức đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Nhà nước đã nhanh chóng ban hành các chính sách để ứng phó. Đơn cử như việc cắt giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) để kiềm chế giá xăng dầu – nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực và kiềm chế lạm phát.
Tuy vậy, theo VCCI, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực thi khiến cho một số chính sách chưa phát huy hiệu quả, như chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Gói tín dụng này đang giải ngân được ít. Nhiều doanh nghiệp muốn vay theo gói hỗ trợ này, nhưng các ngân hàng thương mại “ngần ngại” giải ngân. Ngoài ra, Chủ tịch VCCI đánh giá, các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy.
Cùng với vấn đề nêu trên, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 của VCCI cũng chỉ ra góc nhìn của các doanh nghiệp đối với việc soạn thảo các bộ luật lớn liên quan đến dự án đầu tư kinh doanh như: Dự thảo Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
VCCI đánh giá, sửa đổi 4 luật là hoạt động rà soát những điểm vướng, chồng chéo của các quy định. Việc cơ quan chủ trì soạn thảo các luật tiến hành rà soát các quy định sẽ góp phần khắc phục được tình trạng thiếu nhất quán giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, từ đó gỡ vướng cho doanh nghiệp.
Còn TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Gánh nặng chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn.