Theo Dự thảo nghị quyết, tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70-90%, đến năm 2033 đạt 100%. Việc chuyển đổi đưa ra 3 kịch bản tới năm 2033. Kịch bản 1: toàn bộ 100% xe buýt điện, tổng nguồn lực là 52.354 tỷ đồng; kịch bản 2: 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG (nhiên liệu sạch), tổng nguồn lực là 47.003 tỷ đồng. Kịch bản 3: 50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 43.940 tỷ đồng. Trước mắt, UBND thành phố đề xuất lựa chọn thực hiện theo kịch bản 3 và khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2. Sau năm 2040 thực hiện theo kịch bản 1.
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng sẽ buýt sử dụng điện, năng lượng xanh là một cuộc cách mạng, bước đột phá quan trọng giao thông đô thị của Hà Nội với nhiều lợi ích và cũng nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, chính quyền thành phố, cơ quan quản lý chuyên ngành và sự ủng hộ tích cực của nhân dân. Để thực hiện tốt, HĐND, UBND và các cơ quan của thành phố làm rõ thêm các căn cứ để xác định lộ trình thực hiện các nội dung liên quan của Nghị quyết. Đó là lộ trình chuyển đổi phương tiện, đầu tư hạ tầng cơ sở trạm sạc điện và cung cấp năng lượng sạch; bổ sung diện tích đất cần thiết để xây dựng các trạm điện phục vụ sạc điện cho phương tiện giao thông công cộng trước mắt và lâu dài khi loại bỏ phương tiện toàn thành phố.
Ở góc khác, PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong khu vực nội thành, xe buýt chỉ hoạt động được trên các tuyến đường cấp đô thị và cấp khu vực tại Hà Nội, chiếm khoảng 30-35% tổng chiều dài đường đô thị trong 12 quận nội thành và một số tuyến ngoại thành. Để đạt được tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội từ 45-50% vào năm 2030, ngoài yêu cầu phải lập Đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, còn phải tăng số lượng xe, mở thêm nhiều tuyến để năng lực vận chuyển đạt tới mức 4-5 triệu lượt người/ngày (gấp 4-5 lần so với năng lực hiện nay). Thành phố cần lập Đề án riêng để phát triển đội xe buýt của thành phố và cần mở rộng và phát triển hệ thống các tuyến đường bộ, đường đô thị để đủ điều kiện cho khoảng 5.000 xe buýt hoạt động từ nay đến năm 2030…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Đào Việt Long khẳng định, Sở đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp để ban hành đề án này với mục tiêu vừa chuyển đổi vừa phát triển theo từng giai đoạn cụ thể. Sở Giao thông – Vận tải đã xác định được nguồn lực thực hiện, đó là ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp. Sở sẽ tiếp thu toàn bộ các nội dung liên quan đến đề án và cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện để trình HĐND thành phố.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, Sở Giao thông – Vận tải đã thể hiện sự cố gắng, công phu, quyết tâm chính trị cao, phù hợp với xu thế thực tiễn trong quá trình chuẩn bị đề án. Bà Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị, nếu giữ nguyên tên đề án, cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội hàm phát triển gồm giải pháp đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để bảo đảm tính khả thi. Việc xác định lộ trình triển khai phải gắn với chỉ tiêu, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi để tăng tính thuyết phục. Cùng với đó là có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để cùng tham gia thực hiện đề án này. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan phải rõ ràng, sát sao…
MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp, gửi các gửi ý kiến phản biện đến các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh, trình HĐND thông qua vào kỳ họp thường kỳ giữa năm vào đầu tháng 7.
Nguồn: https://daidoanket.vn/dong-bo-ha-tang-ky-thuat-phat-trien-giao-thong-van-tai-xanh-10283220.html