Kinhtedothi – Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (CLP) khi trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, ngành, kết quả thu được đã góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội.
Nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công
Qua giám sát của Quốc hội cũng như thực tiễn cho thấy, việc tăng cường thực hành tiết kiệm, CLP đã tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển. Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng hàng trăm nghìn héc ta đất của các dự án chậm triển khai.
Hàng năm, việc quản lý và thu chi ngân sách chặt chẽ, có tiết kiệm cơ cấu chi hợp lý, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho phát triển và đầu tư, bảo đảm chi cho an sinh xã hội. Nhiều tài sản các vụ án tham nhũng được thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính là điểm cộng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Có thể nói, công tác thực hành tiết kiệm, CLP đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nhưng làm thế nào để phòng, CLP hiệu quả, triệt để vẫn là câu hỏi được đặt ra, đòi hỏi sự đồng bộ trong giải pháp, xuyên suốt trong hành động.
Nhìn tại Hà Nội, thực hành tiết kiệm, CLP là nội dung quan trọng trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, CLP giai đoạn 2021 – 2025”. TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
Theo đó, Hà Nội là địa phương được đánh giá luôn có tinh thần trách nhiệm cao về thực hành tiết kiệm, CLP trong cả lĩnh vực công lẫn tư. Tiêu biểu là TP đã triển khai ngày càng thường xuyên, sâu rộng hệ thống họp trực tuyến vừa giúp đưa nhanh chỉ thị, nghị quyết vào cuộc sống, vừa giảm các cuộc họp, thời gian, công sức di chuyển.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo tạo bước đi có tính chất đột phá trong phân cấp, ủy quyền; đến nay hơn 700 thủ tục hành chính cấp TP đã được ủy quyền, giúp rút ngắn thời gian của người dân, DN, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư…
Trong công tác phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước, thông kê năm 2023 cho thấy, TP đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; với số tiền hơn 3.331,5 tỷ đồng. Đồng thời, tiết kiệm hơn 5.643,4 tỷ đồng trong công tác sử dụng và thanh toán, quyết toán ngân sách Nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; là một trong ba địa phương tiết kiệm nhất cả nước.
Thực hành tiết kiệm, CLP còn là nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công, TP Hà Nội đang rất nỗ lực làm tốt công việc này, trong đó, TP đã đưa vào triển khai Đề án về “quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025, định hướng giai đoạn 2026 – 2030”, với phạm vi gồm 4 nhóm tài sản công: nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác. Từ đề án khung này, TP đã phân công, phân nhiệm 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ (gồm 29/67 nhiệm vụ có thời hạn và 38/67 nhiệm vụ thường xuyên).
Với tinh thần mới, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm thay đổi, sửa đổi cách làm để CLP, lãnh đạo TP Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ, có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất. Qua đó, bảo đảm thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của TP trở thành động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài, dù là dự án đầu tư công hay ngoài ngân sách.
Sau một năm triển khai Đề án đã tạo ra điểm sáng trong công tác CLP tại TP. Đề án đã giúp TP Hà Nội xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội toàn diện của Thủ đô. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, ngay sau khi đề án được triển khai, Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.427 cơ sở nhà, đất; tiến hành thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về TP quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư…); thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định… Sở Tài chính cũng đã hoàn thiện kho dữ liệu tài sản công, kết nối dữ liệu từ các đơn vị trên địa bàn TP; xây dựng các cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, khai thông nguồn lực tài sản công; phân cấp, ủy quyền… để đem lại hiệu quả cao trong quản lý, sử dụng tài sản công, tránh sự lãng phí.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm sử dụng không đúng quy định và đã thu hồi được 56 địa điểm (trong đó có 6 địa điểm là nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước; 42 địa điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa nhà tái định cư). Hiện nay, UBND các quận, huyện đang tiếp tục cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại trên tinh thần cương quyết xử lý các vi phạm tồn tại.
Quyết liệt tháo gỡ dự án chậm triển khai
Theo các đại biểu Quốc hội, một trong những vấn đề bức thiết trong CLP là rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn, bởi “đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của của Nhân dân”. Hơn hết, các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí phải được làm rõ trách nhiệm, phải có người chịu trách nhiệm về việc để xảy ra lãng phí; các dự án không làm được phải thu hồi.
Đây cũng là vấn đề TP Hà Nội đang quyết liệt để tháo gỡ. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có nhiều dự án chậm triển khai, trong đó có dự án nằm ở những “khu đất vàng” của Thủ đô. Để gỡ vướng cho các dự án này, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiến nghị phương án xử lý…
Trong đó, TP đã xác định rõ 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai và tập trung xử lý (theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai). Sau hai năm thực hiện, thống kê cho thấy, đến hết tháng 6/2024, UBND TP đã chỉ đạo xử lý lũy kế là 705 dự án, với tổng diện tích 11.345ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng; có 7 dự án với tổng diện tích 88,5ha đất đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở KH&ĐT đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.
Trong số 712 dự án này có 410 dự án (với tổng diện tích 9089,5ha đất) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật. Một tổ công tác đặc biệt của TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn TP được thành lập và cùng vào cuộc để phối hợp; giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án nhằm khắc phục vi phạm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã cho ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án nhà ở chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, gây bức xúc trong xã hội bởi sự lãng phí. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, với những mốc thời gian cần hoàn thành, cho thấy sự quyết liệt của TP để tháo gỡ, xử lý.
Điển hình như Dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, TP yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP phối hợp, thực hiện quyết toán theo hạng mục hoàn thành; hoàn thành trong tháng 12/2024 (riêng đối với hạng mục trạm biến áp thực hiện việc thanh toán, quyết toán sau). Về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP khẩn trương thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025.
Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027. Hay đối với Dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND quận Hoàng Mai tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc cải tạo, sửa chữa công trình CT1, CT2, CT3, bảo đảm chất lượng, cảnh quan môi trường để phục vụ tái định cư cho Nhân dân; hoàn thành, bàn giao công trình trong quý II/2025 để bố trí tái định cư cho các dự án trên địa bàn quận và các dự án khác trên địa bàn quận…
Lãnh đạo TP luôn xác định, dù với nguyên nhân chủ quan hay khách quan, dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng nêu trên cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian triển khai, thực hiện. Đây là một trong những minh chứng cho thấy, TP Hà Nội đã và đang nỗ lực trong việc xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bị bỏ hoang trên địa bàn, để CLP, tạo thêm các nguồn lực cho sự phát triển.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện, TP Hà Nội đã quyết liệt yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phải công khai trong thực hiện, thực hành tiết kiệm, CLP; đặc biệt là công khai hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí. Đáng chú ý, TP đã làm tốt việc giảm đầu mối, tổ chức, bộ máy, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, qua đó nâng cao năng lực quản lý, CLP nhân lực của các cơ quan, đơn vị.
(Còn nữa)
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-3-dong-bo-giai-phap-xuyen-suot-trong-hanh-dong.html