Chiều 15-6, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe dự thảo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về tình hình thực hiện Quyết định số 623-QĐ/TU, ngày 23-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch (CTPTDL) Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 623-QĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành CTPTDL Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 đề ra các chỉ tiêu cụ thể về tổng lượng khách, tổng thu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, lao động du lịch tại Thanh Hóa trong từng giai đoạn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh trình bày Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 623-QĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành CTPTDL, giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2021-2023 có 2/4 nhóm chỉ tiêu đạt kế hoạch, gồm: Nhóm chỉ tiêu về cơ sở lưu trú, nhóm lao động du lịch. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.200 nhà nghỉ, khách sạn (đạt 122,7% kế hoạch CTPTDL năm 2023 và đạt 114,3% kế hoạch CTPTDL đến năm 2025) với tổng số 47.300 phòng (đạt 103,9% kế hoạch CTPTDL năm 2023 và đạt 105,7% kế hoạch CTPTDL đến năm 2025). Có 51.800 lao động trong ngành du lịch (đạt 100,38% kế hoạch CTPTDL năm 2023 và đạt 83,5% kế hoạch CTPTDL đến năm 2025); số lao động được đào tạo, bồi dưỡng có 42.560 lao động (đạt 100,37% kế hoạch CTPTDL năm 2023 và đạt 82,0% kế hoạch CTPTDL đến năm 2025).
Các đại biểu dự hội nghị.
Các chỉ tiêu còn lại gồm lượt khách, tổng thu du lịch có thể không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2021-2025, do năm 2021 bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo ước tính, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đón được 26,46 triệu lượt khách. Tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng.
Trong 3 năm (2021-2023), kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn CTPTDL là 137.259 triệu đồng, với các nhóm nhiệm vụ: Dự án phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, cải thiện môi trường du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Toàn cảnh hội nghị.
Công tác quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch được tăng cường. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 55 quy hoạch phục vụ phát triển du lịch, trong đó có 45 quy hoạch đã được phê duyệt và 10 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu, với khoảng 26 khu, điểm du lịch đã được quy hoạch.
Giai đoạn 2021-2023 đã chấp thuận 3 nhà đầu tư và hết hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay là 81 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 146.400 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 58 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.
Toàn cảnh hội nghị.
Việc đầu tư phát triển du lịch được quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng. Trong đó, nổi bật là đã thực hiện huy động các nguồn lực tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Một số di tích cơ bản đã được hoàn thành như: Khu Lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng, Di tích lịch sử – văn hóa Nghè Vẹt (Vĩnh Lộc), Trận địa pháo đồi C4 – Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hoá), Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (Ngọc Lặc)… Ngoài ra, một số di tích đang được tập trung đầu tư tôn tạo.
Thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh phát biểu ý kiến.
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bước đầu đã hình thành sản phẩm du lịch cao cấp như: du lịch biển, du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh, du lịch sinh thái – cộng đồng, du lịch nghề, làng nghề truyền thống, phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, khai thác tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm đồng quê trên địa bàn thành phố Thanh Hóa…
Thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh phát biểu ý kiến.
Dự thảo báo cáo cũng nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CTPTDL Thanh Hóa đến năm 2025. Trong đó, năm 2024 phấn đấu đón được 13,8 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch ước đạt 32.387 tỷ đồng; có 56.300 lao động du lịch. Năm 2025 phấn đấu đón được 16 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch ước đạt 45.500 tỷ đồng; có 62 nghìn lao động du lịch…
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm phát triển đột phá ngành du lịch; tập trung khai thác các di tích lịch sử phục vụ phát triển du lịch, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mới và hình thành các sản phẩm du lịch cao cấp; thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và quốc tế; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao…
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 623-QĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành CTPTDL Thanh Hoá giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tập trung thảo luận một số vấn đề về tình hình thực hiện CTPTDL Thanh Hoá giai đoạn 2021-2025; nêu một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch tại Thanh Hoá.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch phát biểu tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đánh giá cao sự cố gắng của đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo báo cáo là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và một số địa phương đã xây dựng dự thảo báo cáo một cách đầy đủ công phu, bố cục, nội dung rõ ràng.
Đồng chí đề nghị Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch, các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, một số địa phương cần bổ sung đánh giá mặt tồn tại khách quan, chủ quan liên quan đến nguồn nhân lực trong phát triển du lịch nhất là sau khi dịch COVID-19 xảy ra; sau khi phục hồi thì lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn yếu, chất lượng chưa đảm bảo.
Đồng thời, cần có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại các khu nghỉ dưỡng, quan tâm đến giá cả, chất lượng phục vụ du khách; biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý về môi trường du lịch cần được quan tâm thực hiện, nhất là việc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới việc xây dựng du lịch Thanh Hoá xanh, sạch, đẹp; tăng cường công tác xử lý rác thải, chất thải trong các khu, điểm du lịch. Đối với huyện Cẩm Thuỷ, cần có giải pháp bảo vệ môi trường nước cho suối cá Cẩm Lương.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đưa tất cả các khu, điểm du lịch Thanh Hóa lên nền tảng số thông minh. Tiếp tục nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phát triển du lịch.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đơn vị soạn thảo sẽ tổng hợp, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung của dự thảo báo cáo UBND tỉnh.
Nguyễn Đạt