Đồng bộ giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
(BĐ) – Sáng 25.5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023.
Các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đóng góp những ý kiến thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển trong thời gian tới.
Theo ý kiến của các đại biểu, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của Chính phủ đã thể hiện rõ những khó khăn, thách thức do tác động từ tình hình thế giới, hậu quả kéo dài của dịch Covid-19 để lại còn tương đối nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã năng động, sáng tạo, điều hành kiên quyết, linh hoạt với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, giúp đất nước vượt qua được những khó khăn, thách thức, từng bước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô giữ được sự ổn định, đời sống nhân dân được đảm bảo, cử tri, nhân dân cả nước rất tin tưởng vào sự lãnh đạo điều hành của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng tình hình phát triển KT-XH còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, việc sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công nghiệp, thương mại, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, ở nhiều lĩnh vực, khu vực đang có chỉ số phát triển âm. Đây là tình trạng đáng quan tâm và cần có giải pháp kịp thời để khắc phục.
ĐB Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, nhận định tình hình còn khó khăn, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó có đề xuất giảm thuế GTGT.
Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25.5. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. |
“Tôi đồng ý đề xuất giảm 2% thuế GTGT để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để có thể thực hiện các chính sách hỗ trợ, nếu ngân sách chịu đựng được, như giảm thuế TNDN, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ cho lao động bị giãn việc, mất việc. Có thể thông qua hỗ trợ lãi suất thấp, kích cầu tiêu dùng để phát triển sản xuất”- ĐB Lê Kim Toàn đề xuất.
ĐB Lê Kim Toàn nhận định, hiện nhiều dự án dang dở, nhiều DN đang khó khăn, những khó khăn của lĩnh vực này sẽ kéo theo khó khăn của lĩnh vực khác. Nhiều lĩnh vực dịch vụ sức mua giảm, tăng trưởng kinh tế thấp, dẫn đến thu ngân sách nhà nước sụt giảm. Dự báo tình hình khó khăn có thể hết năm nay và kéo dài qua năm 2024.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25.5. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. |
Phát biểu thảo luận tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc hiện còn là rào cản cho phát triển hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, với các vướng mắc như đại biểu Quốc hội chia sẻ (giải ngân vốn đầu tư công; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án; sử dụng vốn đầu tư công cho sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình…) cần phải được tháo gỡ.
Muốn vậy, cần phải thực hiện một luật sửa nhiều luật, phải tập hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trên cơ sở căn cứ ý kiến của các địa phương, đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH để từ đó trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa, tháo gỡ những nút thắt đang còn là rào cản cho phát triển hiện nay.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về việc đề xuất sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, không phải đến kỳ họp này mà tại kỳ họp trước của Quốc hội, Bộ đã đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc cải tạo, nâng cấp các cơ sở, công trình, không phải chờ dùng vốn của đầu tư công mà có thể chi từ nguồn chi thường xuyên.
Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng thuận của 63/63 tỉnh, thành và 20/21 bộ, ngành về vấn đề này. Đến thời điểm trước kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất: Cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên NSNN thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
Nguồn: BTV |
Nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ hầu hết vướng mắc hiện nay của các bộ, ngành, địa phương, bởi vì hiện nay, sửa chữa một cái hàng rào thì cũng chờ vốn đầu tư công, là không thể thực hiện được.
Bộ Tài chính đã lấy ý kiến và được sự đồng thuận của tất cả bộ, ngành, địa phương, song Ủy ban Tài chính Ngân sách đã bác đề nghị này và yêu cầu phải thực hiện theo Luật, nếu vướng mắc thì đề xuất sửa Luật Đầu tư công.
Bộ trưởng cũng đã nêu một số vấn đề mà trước đó một số đại biểu Quốc hội nêu, như việc bố trí dự toán kinh phí cho mua vắc xin tiêm chủng cho trẻ em.
Theo Bộ trưởng, trước năm 2020, Chính phủ quy định nguồn chi thường xuyên mua vắc xin tiêm chủng, nhưng đến 28.11.2020, Chính phủ ban hành quy định đưa vào chi thường xuyên, phần nào của địa phương thì địa phương bố trí. Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã bố trí dự toán cho Bộ Y tế bố trí mua vắc xin tiêm chủng năm 2023.
Liên quan đến vướng mắc trong giải ngân mà câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn chưa giải quyết được, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phải sửa Luật Đầu tư công, bởi hiện nay các bộ, ngành, địa phương đều vướng với quy định, có vốn mới được lập dự án và phải có dự án mới có vốn, nếu như vậy thì sẽ không thể làm được.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần phải thực hiện một luật sửa nhiều luật, phải tập hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trên cơ sở căn cứ ý kiến của các địa phương, đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH để từ đó trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa, tháo gỡ những nút thắt đang còn là rào cản cho phát triển hiện nay.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: VP Đoàn ĐBQH tỉnh. |
Cũng tại phiên thảo luận tổ sáng 25.5, ĐB Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, ĐB Nguyễn Văn Cảnh, ĐB Đồng Ngọc Ba phát biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cho các DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để khôi phục, phát triển sản xuất; có biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; quan tâm đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp khó khăn; có giải pháp phòng chống bạo lực trong học đường; quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật…
ĐB Đồng Ngọc Ba phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. |
NGUYỄN HÂN