Điều kiện thuận lợi
Tỉnh Đồng Nai là một trong những tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi với các loại hình khoáng sản khá phong phú và đa dạng, trong đó chủ yếu là đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, vật liệu san lấp, sét kaolin, puzolan, đất phún. Sản phẩm khai thác tài nguyên khoáng sản không những đáp ứng được nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho các địa phương lân cận như TP.HCM, miền Tây Nam Bộ nhờ hệ thống giao thông đường thủy, bộ rất thuận lợi.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 45 mỏ khai thác khoáng sản còn thời hạn hoạt động, trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép 41 mỏ. Trong đó, các mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được cấp phép theo Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005, Luật Khoáng sản năm 2010 đã đi vào hoạt động.
Trong tổng 41 mỏ đang hoạt động, UBND tỉnh đã thực hiện cấp 71 Giấy phép, bao gồm cấp lần đầu, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, chuyển nhượng, cấp phép giai đoạn 2.
Thực hiện Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016, Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ, Nghị quyết số 101/2019/NQ14 của Quốc hội Khóa XIV và hướng dẫn của Bộ TN&MT tại Văn bản số 1391/BTNMT-ĐCKS ngày 26/3/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành 40 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền 1.825,7 tỷ đồng, số tiền phải nộp từ năm 2014 – 2021 là 1.435 tỷ đồng. Về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Cục Thuế tỉnh rà soát báo cáo cụ thể về UBND tỉnh.
Đồng Nai là một tỉnh nằm ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ranh giới hành chính tiếp giáp các tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Riêng ranh giới là sông giữa Đồng Nai với Lâm Đồng là 54,5km (sông Đồng Nai và Đa Quay); TP.HCM là 90km (sông Đồng Nai, Nhà Bè, Đồng Tranh, Lòng Tàu); tỉnh Bình Phước 43km (sông Đồng Nai), tỉnh Bình Dương 80km (sông Đồng Nai, sông Bé); tỉnh Bình Thuận 70km (sông La Ngà); tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 20km (sông Thị Vải). Tuy nhiên, chỉ có khu vực giáp ranh với Lâm Đồng là được cấp giấy phép khai thác cát xây dựng, gồm UBND tỉnh Đồng Nai cấp 2 giấy phép, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 13 giấy phép.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản quy định việc giám sát trữ lượng thực tế đã khai thác của doanh nghiệp bao gồm sổ sách chứng từ hóa đơn mua bán, số liệu trạm cân khoáng sản nguyên khai, trạm cân sản phẩm, kết quả đo vẽ bản đồ hiện trạng mỏ – 2 lần đo vẽ/năm, gắn camera giám sát khu vực bãi chứa, bãi chế biến, báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp hàng năm. Tuy nhiên, đối với khoáng sản cát xây dựng có trữ lượng bổ cập hàng năm sau mùa mưa, địa hình hiện trạng mỏ luôn ngập nước nên việc giám sát trữ lượng cát thực tế của doanh nghiệp là khó khăn.
Siết chặt quản lý
Tại Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 02/5/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm tra, truy quét, bảo vệ lâm sản và khoáng sản trên địa bàn tỉnh, do Phó Giám đốc – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh làm Trưởng ban. Trong đó, các thành viên của Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các Sở: TN&MT, NN&PTNT, GTVT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh, phòng chống khai thác lâm sản và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 27/9/2021 về việc tiếp tục tăng cường công tác khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 15125/KH-UBND ngày 06/12/2021 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, nhằm quản lý tốt hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất với UBND các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận và UBND TP.HCM ký kết các Thông báo liên tịch về việc phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên các tuyến sông giáp ranh giữa các địa phương.
Hiện nay, UBND các huyện, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa đã thành lập và kiện toàn Tổ phản ứng nhanh để tiếp nhận thông tin phản ánh và tổ chức kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản không phép, đặc biệt là cát xây dựng trên sông trên địa bàn; và đã thiết lập đường dây nóng, do đó, khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép hoặc nhận được phản ánh của người dân, các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng cung cấp thông tin Tổ phản ứng nhanh xử lý kịp thời.
Hằng năm, UBND các huyện, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa đều xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản không phép trên địa bàn. Cùng với đó, công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản không phép trên địa bản tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ 6 tháng đều được Sở TN&MT Đồng Nai tổng hợp từ các báo cáo của các sở, ngành có liên quan và các địa phương để báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai. Qua đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai cũng sẽ có ý kiến chỉ đạo triển khai thực hiện những tháng tiếp theo.