Đến hẹn lại lên, cứ dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, hàng nghìn đồng bào dân tộc Mông ở khắp các thôn, bản xa xôi của tỉnh Lai Châu lại nô nức tụ hội miền đất gió Than Uyên để chung vui ngày Tết Độc lập, giao lưu văn hóa, trao đổi các mặt hàng truyền thống, thể hiện tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc.
Sáng sớm 2/9, khi mây mù còn bao phủ trên những dãy núi cao, không khí ngày Tết Độc lập đã bao trùm khắp các tuyến đường ở huyện Than Uyên. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Hân hoan vui Tết
Sáng sớm 2/9, khi mây mù còn bao phủ trên những dãy núi cao, không khí ngày Tết Độc lập đã bao trùm khắp các bản làng rẻo cao của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Than Uyên, lan tỏa sang các bản của đồng bào dân tộc Thái, Dao, Khơ Mú, các xã lân cận của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, hòa cùng dòng người tấp nập trên các tuyến đường đổ về sân động thị trấn Than Uyên vui hội, tạo nên bức tranh đặc sắc hội tụ bản sắc Tây Bắc.
Trên mỗi nẻo đường từ bản làng đến trung tâm thị trấn Than Uyên dễ dàng bắt gặp ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong bộ trang phục truyền thống. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cũng được địa phương tổ chức, nhằm khích lệ, động viên tinh thần của người dân khi một lòng hướng về Đảng, Bác Hồ.
Cũng như bao gia đình dân tộc Mông khác ở Lai Châu, cứ đến gần ngày 2/9 gia đình chị Cứ Thị Vàng, ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ những bộ trang phục mới để chuẩn bị đi chơi Tết Độc lập. Bởi, theo quan niệm của người Mông, Tết Độc lập giống như tết chính của dân tộc mình, do đó mọi người từ già đến trẻ đều háo hức chờ Tết Độc lập để được xuống huyện gặp gỡ, vui chơi với bạn bè, người thân và các dân tộc khác.
Một gia đình người Mông ở huyện Than Uyên xuống phố vui Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Chị Giàng Thị Dở, người Mông ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên chia sẻ: “Trước ngày Tết Độc lập, mọi nhà người Mông trong xã đều cố gắng lao động để có tiền, rồi chờ đến ngày Tết Độc lập sẽ được đi chơi, giao lưu, gặp gỡ anh em, bạn bè, người thân. Người Mông chúng tôi dù ai đi làm thuê ở xa nhưng cứ đến ngày 2/9 đều cố gắng về nhà để cùng gia đình ăn cái Tết Độc lập. Mình mong muốn năm tới huyện sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để người Mông vui chơi thỏa thích”.
Về Than Uyên những ngày đầu tháng 9, du khách sẽ cảm nhận được không khí náo nức đón Tết Độc lập của nhân dân các dân tộc nơi đây, đặc biệt là dân tộc Mông. Anh Nguyễn Văn Phức, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ niềm vui khi được bước chân đến Lai Châu, dự Tết Độc lập ở miền đất Than Uyên. Đến đây, anh được tham quan không gian văn hóa các dân tộc, được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo. Ấn tượng nhất với anh Phức là đồng bào dân tộc Mông nơi đây rất đoàn kết, họ từng tốp kéo nhau về huyện rất đông để vui Tết Độc lập. Anh Phức cho biết năm sau sẽ rủ thêm nhiều bạn bè để lên vui Tết Độc lập cùng bà con huyện Than Uyên.
Tết Độc lập còn là dịp để những đôi trai gái người Mông gặp gỡ, tìm kiếm bạn đời. Có nhiều đôi bạn trẻ dù ở cách xa nhau cả trăm cây số nhưng đã nên duyên vợ chồng khi cùng tham dự ngày Tết Độc lập.
Bảo tồn văn hóa dân tộc Mông
Dòng người tấp nập trên các tuyến đường đổ về thị trấn Than Uyên vui hội, tạo nên bức tranh hội tụ bản sắc Tây Bắc. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Tết Độc lập là hoạt động văn hóa đặc biệt của người Mông. Vào ngày này, cùng với hoạt động chung vui đón Tết, đồng bào dân tộc Mông còn giao lưu văn hóa, trao đổi các mặt hàng truyền thống của dân tộc mình.
Chị Sùng Thị Của, người Mông ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, hàng năm, vào dịp Tết Độc lập một số chị em trong bản đã mang các sản phẩm thổ cẩm và trang phục sang huyện Than Uyên để bày bán, trao đổi các mặt hàng với nhau. Điều này thể hiện tình đoàn kết gắn bó với nhau trong cộng đồng dân tộc Mông.
Trong một năm, đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên có hai ngày Tết lớn, là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập 2/9. Ngày Tết Độc lập 2/9 có ý nghĩa hơn cả, bà con ở khắp các bản làng xúng xính trong bộ quần áo mới, cùng xuống huyện để được giao lưu, trao đổi, gặp gỡ anh em, bạn bè. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên.
Chị em phụ nữ người Mông huyện Than Uyên rủ nhau xuống phố vui Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Để lưu giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nói riêng, đồng bào các dân tộc khác nói chung, hàng năm, huyện Than Uyên tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc. Qua đó, giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch của huyện; đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Thông qua sự kiện, huyện mong muốn tạo không khí vui tươi phấn khởi cho bà con, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong huyện, đồng bào dân tộc Mông nói riêng.
Ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho hay, thấy được truyền thống văn hóa vui Tết Độc lập từ xa xưa của bà con người Mông để lại, những năm qua, huyện luôn quan tâm tổ chức các hoạt động, tạo sân chơi cho bà con nhằm khuyến khích, động viên bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Năm nay, huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông như: giới thiệu lễ hội dân gian, trình diễn trang phục dân tộc; trưng bày gian hàng giới thiệu các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Mông, cùng với các trò chơi dân gian, như: ném pao, đánh cầu lông gà, tù lu.
Có thể thấy, các hoạt động vui chơi trong dịp Tết Độc lập của bà con các dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Lai Châu nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã góp phần lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước, niềm tin về Đảng, Bác Hồ kính yêu.