Trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, hùng cường, thịnh vượng. Đặc biệt, những chủ trương, chính sách về tôn giáo được đề cao, nhờ đó, các thế hệ đồng bào có đạo luôn vững tin, chung tay, góp sức, đồng hành với sự phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.
KỲ 1: Cống hiến cho Tổ quốc
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như xây dựng đất nước hôm nay, nhân dân ta dù ở nơi đâu, dù lương hay giáo đều không tiếc xương máu, chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã có những chức sắc, tín đồ các tôn giáo của tỉnh được Đảng và Nhà nước tri ân về công lao đóng góp, hy sinh cho đất nước.
Nhà thờ Chánh Tòa (Nha Trang) ngoài phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Công giáo, còn là địa chỉ tham quan của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: VĨNH THÀNH |
Chung sức vì hòa bình, độc lập dân tộc
Những ngày tháng 7, khi cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, tri ân các gia đình có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7), lần theo những thông tin được Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cung cấp, tôi tìm về Tổ dân phố Phong Phú 2, phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa). Nơi đây, phần lớn người dân trong tổ dân phố biết về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tiếm (đã mất).
Có thể nói, cả cuộc đời mẹ Tiếm đã dành cho đất nước, dân tộc, góp phần để nước nhà được hòa bình, độc lập. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà của mẹ là cơ sở cách mạng. Suốt thời gian tuổi trẻ, mẹ Tiếm tiếp tế lương thực cho cán bộ, du kích. Tuy mẹ bị địch bắt nhiều lần nhưng với tấm lòng kiên trung, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng sắt son một lòng với Tổ quốc, mẹ luôn giữ bí mật cho đồng đội và tổ chức. Ngày ấy, chồng của mẹ mất sớm, mẹ có hai người con trai đều lấy họ mẹ. Khi trưởng thành, hai con của mẹ Tiếm tham gia hoạt động cách mạng, rồi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại khu vực Hòn Hèo (Ninh Hòa). Trong đó, liệt sĩ Lê Lới, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1946, hy sinh tháng 11-1950; liệt sĩ Lê Quá, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1946, hy sinh tháng 2-1951.
Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Chương (sinh năm 1954, Tổ dân phố Mỹ Chánh, phường Ninh Giang), tôi được biết, mẹ Tiếm cùng hai con (liệt sĩ Lê Lới và liệt sĩ Lê Quá) đều là người Công giáo. Ông Chương cho biết, trước đây, ông làm cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Ninh Giang (nay là phường Ninh Giang). Hồi đó, quan điểm của lãnh đạo, ban, ngành địa phương là tất cả mọi người, dù lương hay giáo, ai có công đều phải được ghi nhận. Vì vậy, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp đã rà soát đúng khung chính sách theo quy định để đề xuất với cấp trên xem xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ Tiếm và bằng Tổ quốc ghi công cho hai con của mẹ. Bà Lê Thị Xuân (con riêng của chồng mẹ Tiếm) cho biết, hiện nay, bà là người nhận chính sách thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tiếm và hai liệt sĩ. Các chế độ, chính sách đều được Đảng và Nhà nước quan tâm, các cơ quan chức năng chi trả, hỗ trợ đúng quy định.
Ông Trần Vạn Giã trao quà cho gia đình có công với cách mạng là người Công giáo. Ảnh: T.V.G |
Qua thông tin của ông Trần Vạn Giã – Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, tôi được biết, trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, người dân trong tỉnh không phân biệt lương hay giáo đều mang bầu nhiệt huyết tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến để đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có nhiều gia đình, nhiều cá nhân là chức sắc, đồng bào Công giáo tham gia cách mạng. Ông Giã cho biết, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, trên địa bàn tỉnh có Linh mục Nguyễn Sồ (Chánh xứ Giáo xứ Chợ Mới, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Khi Linh mục Nguyễn Sồ qua đời, năm 1990, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba cho linh mục.
Linh mục Phạm Ngọc Phi – Chánh xứ Nhà thờ Chợ Mới (xã Vĩnh Ngọc) thay mặt tín hữu Công giáo nhận truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba cho Linh mục Nguyễn Sồ. Ảnh: Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh |
Mãi mãi niềm tự hào
Trong căn nhà cấp 4 rộng rãi ở thôn Tân An, xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm), ông Nguyễn Hồng Sơn – bố liệt sĩ Nguyễn Đại Hải thắp nén hương lên ban thờ con trai với tâm trạng bùi ngùi thương nhớ. Ông Sơn cho biết: “Ở vùng đồng bào Công giáo thuộc Giáo xứ Vĩnh Bình này, người dân luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Khi con trai có lệnh gọi lên đường nhập ngũ, gia đình và bà con giáo dân trong thôn đều chúc mừng, động viên để Hải yên tâm lên đường nhập ngũ xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Đại diện Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ Nguyễn Đại Hải nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Ảnh: VĨNH THÀNH |
Vào quân đội, anh Hải được biên chế ở Cụm chiến đấu 2, đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146, Trường Sa. Năm 2012, khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa anh Hải sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trong quá trình làm nhiệm vụ, anh đã hy sinh. Khi đồng đội và lãnh đạo đơn vị của anh Hải báo về, ông Sơn và những người thân trong gia đình như sụp đổ. Ông kể, sau khi nghe hung tin, lãnh đạo đơn vị của anh Hải, linh mục quản xứ, bà con xóm giềng đã kịp thời sâu sát động viên tinh thần. Nhờ đó, theo thời gian, nỗi đau của gia đình cũng dần nguôi ngoai. Anh Hải hy sinh là một mất mát lớn cho gia đình, nhưng ông cũng cảm thấy tự hào vì con trai mình đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng tô đậm thêm truyền thống của thôn Tân An. Vì vậy, những năm qua, mỗi khi trong thôn Tân An có thanh niên lên đường nhập ngũ, ông Sơn đều đến nhà động viên, đóng góp tặng những món quà để thanh niên yên tâm thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ban Chấp hành Đoàn xã Cam An Bắc đến thăm, tặng quà tri ân gia đình liệt sĩ Nguyễn Đại Hải. Ảnh: TUẤN HỒ |
Anh Hồ Duy Tuấn – Bí thư Đoàn xã Cam An Bắc cho biết, xã Cam An Bắc có hơn 90% người dân Công giáo. Thanh niên trong xã đều có bầu nhiệt huyết đóng góp sức trẻ để xây dựng quê hương. Liệt sĩ Nguyễn Đại Hải là thanh niên ưu tú, đã góp phần tô đậm thêm truyền thống cách mạng của xã. Hiện nay, toàn xã có 8 liệt sĩ, 1 thương – bệnh binh, riêng ở thôn Tân An có đến 5 liệt sĩ…
Những địa chỉ tôi đến, cũng như qua trò chuyện với các chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều thể hiện bầu nhiệt huyết yêu nước, sẵn sàng cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp sức cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông TRẦN VẠN GIÃ – Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh: Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường hợp gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, liệt sĩ là người Công giáo. Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không phân biệt tôn giáo, dân tộc, ai có cống hiến cho Tổ quốc đều được quan tâm ghi nhận; những người hy sinh để bảo vệ Tổ quốc đều được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh. Vì vậy, những năm qua, các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể đã quan tâm chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng và thân nhân, trong đó có các đối tượng chính sách là đồng bào Công giáo. Trong thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Ban Đoàn kết Công giáo phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện rà soát chính xác số lượng đối tượng người Công giáo có công với cách mạng để kịp thời thăm hỏi, động viên.
ĐẠI HẢI
KỲ 2: Tích cực tham gia xây dựng đời sống mới