Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới, nâng chất lượng phát triển kinh tế hợp tác nông nghiệp
Sáng 1/8/2024, tại Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT) phối hợp cùng Cơ quan hệ thống thực phẩm bền vững Ireland tại Việt Nam (SFSI) và Đại sứ quán Ireland tổ chức Hội thảo quốc tế về “Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thông qua đổi mới và nâng cao chất lượng”.
Ông Vũ Mạnh Hùng – Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ KHĐT phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Mạnh Hùng – Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh, hội thảo nằm trong khuôn khổ Đối tác Nông nghiệp Thực phẩm Ireland Việt Nam do Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tài trợ, nhằm thực hiện hóa Biên bản ghi nhớ được ký vào tháng 6/2024 giữa Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland (DAFM) với Bộ KH&ĐT về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và đổi mới nông sản thực phẩm giữa hai nước.
Hội thảo nhằm mục đích phát triển năng lực trong các HTX nông nghiệp để tăng cường khả năng quản trị hợp tác xã, tiếp thị, đổi mới và quản lý chất lượng. Hội thảo mở ra cơ hội trao đổi kiến thức về phát triển HTX nông nghiệp thực phẩm và chia sẻ kinh nghiệm giữa Ireland và Việt Nam nhằm phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu carbon và có giá trị gia tăng cao…
Bà Hà Lan Anh – Giám đốc toàn cầu Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Ailen tại Việt Nam (SFSI) cho biết, phong trào hợp tác xã ở Ireland có một lịch sử đáng tự hào, bắt đầu từ những năm 1880, trước khi Ireland giành được độc lập. Trong nhiều thập kỷ qua, HTX đã đóng một vai trò vô giá trong sự phát triển kinh tế – xã hội và sự thịnh vượng của Ireland.
Giống như Việt Nam, Ireland nhận thức được di sản quan trọng này, đồng thời cũng nhận thấy cần cung cấp khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái đổi mới để giúp khu vực HTX nông nghiệp phát triển hơn nữa. Kinh nghiệm và những thành tựu đạt được của kinh tế hợp tác phát triển hàng trăm năm qua, cùng những chia sẻ tâm huyết từ các chuyên gia SFSI trong Hội thảo này, sẽ góp phần quan trọng vào định hướng phát triển Kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của Việt Nam, nhất là các tỉnh ĐBSCL, vùng trọng điểm nông nghiệp, nơi có đến gần 70% HTX hoạt động trong ngành nông nghiệp.
Các chuyên gia từ SFSI chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế hợp tác với lãnh đạo, ngành chức năng và quản lý HTX vùng ĐBSCL |
Theo Cục Kinh tế hợp tác, năm 2024 tiếp tục là năm ghi dấu ấn về sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác giữa Bộ KH&ĐT và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm, Hàng hải Ailen thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển HTX và doanh nghiệp nông nghiệp vào tháng 6/2024; một số hội thảo về phát triển bền vững khu vực kinh tế hợp tác nông nghiệp gắn với sản xuất xanh, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022 vừa qua tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật HTX 2023 với nhiều điểm mới nổi bật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam; Luật đã cụ thể hóa 8 nhóm chính sách hỗ trợ đối với HTX, trong đó có chính sách hỗ trợ dành riêng cho HTX nông nghiệp thời gian tới…
Hiện Việt Nam có khoảng 22.000 HTX nông nghiệp trên tổng số 34.000 HTX hoạt động, chiếm 65% số lượng HTX, với khoảng 3,8 triệu thành viên, hộ gia đình tham gia, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động còn chưa cao, đa số HTX nông nghiệp mới chỉ cung cấp một số ít dịch vụ cho thành viên; thiếu sự liên kết chặt chẽ với thành viên và doanh nghiệp; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ; chưa xây dựng được chuỗi liên kết…
Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức như: ảnh hưởng biến đổi khí hậu, yêu cầu thị trường ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tình hình thế giới căng thẳng, phức tạp… Đòi hỏi các HTX phải có những bước đi mạnh mẽ, tập trung vào hai yếu tố cốt lõi là phải đổi mới và nâng cao chất lượng. Đổi mới trong nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, mà còn bao gồm đổi mới về tư duy quản lý, phương thức sản xuất và kinh doanh. Các cơ quan nhà nước, tổ chức trong nước và quốc tế, các HTX cần chú trọng nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia.
“Đặc biệt, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng là một yếu tố then chốt và cấp thiết. HTX cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, cải thiện quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt, nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu ra thế giới”, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/dong-bang-song-cuu-long-doi-moi-nang-chat-luong-phat-trien-kinh-te-hop-tac-nong-nghiep-d221367.html