Trước tình trạng tân binh giảm dần, quân đội Cộng hòa Czech đã triển khai chương trình thí điểm nhằm tăng số lượng tân binh. Trong khi các huấn luyện viên hét mệnh lệnh, hàng chục học viên lê bước qua những bụi cây rậm rạp, mang theo súng trường chiến đấu và học các tư thế bắn thích hợp.
Giống như nhiều quốc gia Đông Âu của NATO, Czech đã bỏ lỡ mục tiêu tuyển quân trong nhiều năm và phải vật lộn để duy trì quân số. Điều này khiến các đơn vị quân đội thiếu người và không thể sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine ở rìa Đông Âu.
Khoảng 80 học sinh trung học Czech đã dành một phần kỳ nghỉ hè để tham gia chương trình đào tạo quân sự kéo dài 4 tuần, tìm hiểu về cuộc sống quân đội tại một khu vực quân sự khép kín cách thủ đô Prague 94 km về phía tây.
Nhưng Tướng Karel Rehka, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Séc, đã gọi hệ thống hiện tại là không bền vững. Ông cho biết, chương trình này được điều hành bởi Lữ đoàn triển khai nhanh số 4 – một đơn vị quân đội chỉ hoạt động với 50% công suất do thiếu hụt binh lính.
“Chúng tôi muốn ngăn chặn bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào trong tương lai. Nếu không làm gì về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong quân đội…, chúng tôi sẽ không thể bảo vệ hòa bình và ngăn chặn bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào”, ông Rehka nói.
Theo dữ liệu mới nhất của quân đội Czech, năm 2021, nước này đã đạt được 56% mục tiêu tuyển quân và tăng lên 85% vào năm 2022.
Chính phủ Séc đã chuyển sang các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số, tăng tiền thưởng nhập ngũ và cân nhắc các lựa chọn bao gồm hạ thấp các yêu cầu về y tế đối với quân nhân chuyên nghiệp, quân nhân dự bị và tân binh.
Không chỉ Czech, các quốc gia trên khắp Đông Âu cũng phải vật lộn để tuyển thêm lính mới và giữ những người lính có kinh nghiệm ở khu vực đường biên giới chung giữa Ukraine và Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia.
Tại Ba Lan, các quan chức chính quyền và quân đội cho biết họ đang đạt được mục tiêu tuyển quân, có kế hoạch tăng giới hạn tuyển quân, nhưng những người chỉ trích đặt câu hỏi liệu mục tiêu xây dựng quân đội gồm 300.000 binh sĩ có thực tế hay không.
Quốc gia Đông Âu này cũng đang tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 5% GDP và gần đây đã phát động chiến dịch tuyển dụng mang tên “Kỳ nghỉ cùng quân đội”, cung cấp khóa huấn luyện quân sự cơ bản cho công dân từ 18 đến 35 tuổi trong vòng 28 ngày.
Nhưng dữ liệu của Bộ Quốc phòng Ba Lan cho thấy trong khi số lượng tân binh tăng theo số liệu mới nhất hiện có, thì vẫn có tới 9.000 quân nhân chuyên nghiệp rời quân ngũ vào năm 2023.
Quân đội Hungary cũng đã phát động chiến dịch truyền thông sử dụng các bảng quảng cáo và một loạt phim truyền hình có chủ đề về quân đội dự kiến phát sóng vào cuối năm 2024 để tìm kiếm những người lính mới.
Còn tại Romania, chính quyền đã bắt đầu chiến dịch tuyển quân sau khi dữ liệu gần đây của Bộ Quốc phòng nước này cho thấy 43% vị trí sĩ quan không có người thay thế, cùng với 23% vị trí binh lính và các cấp bậc chuyên môn khác.
Các quốc gia Tây Âu trong NATO cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Vào tháng 7, Reuters đưa tin rằng NATO sẽ cần thêm từ 35 đến 50 lữ đoàn để thực hiện đầy đủ các kế hoạch mới nhằm phòng thủ trước mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ liên minh.
Hoài Phương (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cac-quoc-gia-dong-au-tang-cuong-tuyen-quan-truoc-moi-nguy-chien-su-lan-rong-post307159.html