(Dân trí) – Chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 cho thấy ảnh hưởng của ông Trump trong nền chính trị Mỹ, bất chấp những tranh cãi mà ông gây ra.
Ngày 16/6/2015, tỷ phú Donald Trump chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ. Khi đó, ông chỉ được biết đến với tư cách “trùm bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế”, cụm từ CNN giới thiệu về ông khi đó.
Ít ai khi đó ngờ rằng ông Trump sẽ là chính trị gia có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ trong suốt một thập niên về sau. Giờ đây, sau khi đánh bại đối thủ đảng Dân chủ – đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris để đắc cử tổng thống Mỹ lần thứ 2 ngày 5/11, ảnh hưởng của ông Trump sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm ít nhất 4 năm nữa.
Đường tới Nhà Trắng không giống ai
Trước năm 2015, ông Trump cũng đã tham gia nhất định vào đời sống chính trị Mỹ. Hồi năm 2000, ông từng tham gia bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống của đảng Cải cách – một đảng nhỏ hoạt động khi đó – nhưng đã sớm rút lui.
Sự nghiệp của ông tập trung vào kinh doanh và truyền thông. Ông là người đã chèo lái tập đoàn Trump Organization trong hàng chục năm, giúp ông sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD. Ông cũng là đồng sản xuất và người dẫn chương trình truyền hình thực tế “Người tập sự”, tập trung vào những bài học kinh doanh.
Do đó, quyết định lấn sân sang chính trị của ông Trump ban đầu không được xem trọng. Hãng phân tích dữ liệu Pivit, đối tác của CNN trong dự đoán kết quả bầu cử 8 năm về trước, hồi tháng 7/2015 dự đoán ông Trump chỉ có 1% cơ hội trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trong một số podcast của FiveThirtyEight, 3 chuyên gia dữ liệu chính trị đánh giá tỷ lệ vượt qua bầu cử sơ bộ của ông Trump lần lượt là 2%, 0% và âm 10%. Khi ông Trump mới công bố ý định tranh cử, một số trang cá cược thể thao tại Anh thậm chí đặt tỷ lệ 100-1 cho khả năng ông thắng cử, theo ESPN.
“Nếu ông Trump được đề cử (trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa), mọi điều chúng ta nghĩ là mình biết về việc đề cử ứng viên tổng thống là sai lầm”, ông Larry Sabato, lãnh đạo Trung tâm Chính trị học tại Đại học Virginia, viết khi đó.
Dù vậy, ông Trump đã khiến nước Mỹ trải qua từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông vượt qua hàng loạt chính trị gia sừng sỏ để trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa trong bầu cử. Ông đánh bại đối thủ Dân chủ Hillary Clinton bất chấp kết quả thăm dò dư luận theo hướng ngược lại.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cũng đánh dấu nhiều điểm “chưa có tiền lệ” trong lịch sử nền chính trị Mỹ. Lần đầu tiên người dân Mỹ và các nhà lãnh đạo nước ngoài phải theo dõi sát sao tài khoản mạng xã hội của một tổng thống Mỹ để đánh giá chiều hướng chính sách của cường quốc số một thế giới. Lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Mỹ đặt chân vào lãnh thổ Triều Tiên sau khi ông Trump được đích thân ông Kim Jong-un dắt qua đường ranh giới liên Triều.
Về kinh tế, dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ phát triển tương đối ổn định với tỷ lệ thất nghiệp giảm – trừ thời kỳ bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Về đối ngoại, ông đẩy mạnh cạnh tranh – thậm chí thúc đẩy “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc. Về đối nội, ông đẩy mạnh các chính sách theo hướng bảo thủ và bổ nhiệm thành công 3 thẩm phán vào Tòa án Tối cao Mỹ.
“Ông ấy sẽ được nhớ đến là một nhà lãnh đạo dân túy có sức ảnh hưởng lớn nhưng gây nhiều tranh cãi”, ông Matthew Continetti, chuyên gia tại Viện American Enterprise Institute, viết sau khi ông Trump rời nhiệm sở năm 2021.
Chiến dịch trở lại
Khi ông Trump thất bại năm 2020, nhiều người đã tưởng rằng sự nghiệp chính trị của ông đã đến hồi kết thúc. Sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021, ngay cả một số đồng minh của ông Trump cũng rời bỏ vị cựu Tổng thống.
“Tất cả những gì tôi có thể nói là chừa tôi ra”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những nhân vật thân cận nhất với ông Trump, tuyên bố. “Đã quá đủ rồi”.
Xu hướng “cách ly” ông Trump không chỉ tồn tại trong giới chính trị. Hàng loạt công ty lớn tại Mỹ – bao gồm American Express, Microsoft, Nike và Walgreens – tuyên bố sẽ ngừng ủng hộ các đảng viên Cộng hòa thách thức kết quả bầu cử năm 2020.
“Tổng thống Donald J. Trump: Hồi kết”, một bài bình luận trên New York Times giật tít.
Tuy nhiên, ông Trump không phải đợi lâu để khẳng định vị thế của mình trong đảng Cộng hòa. Chỉ một tuần sau khi rời Nhà Trắng, ông đón tiếp Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy – khi đó là lãnh đạo phe Cộng hòa trong Hạ viện – tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bất chấp trước đó chính ông McCarthy tuyên bố ông Trump cần chịu trách nhiệm với cuộc bạo loạn tại Điện Capitol.
Chuyến thăm thể hiện ông Trump vẫn được những nhân vật quyền lực nhất trong đảng Cộng hòa coi là nhân vật quan trọng sau hậu trường.
“Chuyến thăm của ông McCarthy thực sự đã mở ra cơ hội cho ông Trump”, bà Meridith McGraw, tác giả một cuốn sách về thời kỳ sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, nói. “Hành động này dường như đã cho phép đảng viên Cộng hòa – những người từng chỉ trích ông Trump – tha thứ cho ông và bước tiếp”.
Dù bị Quốc hội Mỹ luận tội, ông Trump dễ dàng được tha bổng nhờ lá phiếu ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa vốn tính toán kỹ đến sự ủng hộ của cử tri dành cho vị cựu Tổng thống, cũng như lo ngại khả năng ông Trump sẽ lập ra một đảng phái mới, lấy đi nhiều lá phiếu của đảng Cộng hòa.
Tới cuối tháng 2/2021, ông Trump đã sẵn sàng khởi động lại các sự kiện vận động tranh cử. Kết quả khảo sát nhanh cử tri khi đó đã cho thấy quá nửa số cử tri Cộng hòa muốn ông Trump tái tranh cử và khẳng định sẽ bầu cho ông.
Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 đã chứng minh vị thế của ông Trump trong đảng Cộng hòa. Những chính trị gia bỏ phiếu luận tội ông Trump dần bị đánh bại. Trong khi đó, vị thế của những người được ông ủng hộ đi lên như diều gặp gió.
“Sự ủng hộ của ông ấy gần như đảm bảo chiến thắng trong bầu cử sơ bộ”, ông Brian Seitchik, giám đốc chiến dịch của ông Trump tại Arizona năm 2016, nói.
Dù nhiều ứng viên trong số đó bị đảng Dân chủ đánh bại trong cuộc đua vào Quốc hội, vị thế trong đảng vẫn là cơ sở giúp ông Trump khởi động chiến dịch nhằm trở lại Nhà Trắng. Đối mặt với các đối thủ nặng ký như Thống đốc Florida Ron DeSantis hay cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley, ông vẫn dễ dàng được đảng Cộng hòa đề cử.
Kể từ năm 2022, ông Trump cũng vướng vào hàng loạt vấn đề pháp lý, thậm chí bị kết tội hình sự với cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền “bịt miệng” ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels trước thềm cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, đây dường như không phải vấn đề với các cử tri Cộng hòa trung thành với ông.
“Ông ấy đã bị đánh bại rồi trở lại tới hai lần”, ông Bryan Lanza, cố vấn chính trị của ông Trump từ khi ông khởi động chiến dịch tranh cử năm 2016, nói với BBC. “Tôi không nghĩ mọi người nên bất ngờ vì màn trở lại này”.
Khi trở lại chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Trump gặp không ít khó khăn, từ các vụ kiện, truy tố cho tới 3 lần bị ám sát hụt, trong đó có lần ông bị bắn sượt một bên tai gây đổ máu. Bất chấp những điều đó, ông vẫn chứng tỏ là một nhân vật mạnh mẽ, tổ chức các cuộc vận động tranh cử con thoi trên khắp nước Mỹ.
Ngày 5/11, ông Trump một lần nữa làm nên lịch sử khi đánh bại đương kim Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng. Theo các dự đoán của nhiều hãng truyền thông lớn tại Mỹ, ông Trump giành 277 phiếu đại cử tri, vượt con số 270 tối thiểu cần thiết, để đắc cử tổng thống.
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, ông Trump sẽ là tổng thống đầu tiên của Mỹ trong vòng 132 năm qua phục vụ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-gioi/donald-trump-tu-chinh-tri-gia-ngoai-le-toi-2-lan-lam-ong-chu-nha-trang-20241106202555034.htm