“Lần đầu đón Tết xa nhà cũng có chút nhớ nhà, nhưng ở đây tôi có niềm vui khác. Hơn hết tôi hiểu ý nghĩa công việc mình làm là góp phần giữ gìn biển đảo, sự yên bình cho người dân” – chiến sĩ trẻ Sùng Sinh tâm sự về những ngày đón xuân ở xa.
Sùng Sinh, chiến sĩ trẻ trên trạm radar 485 thuộc Vùng 1 hải quân (tỉnh Quảng Ninh), chia sẻ chút cảm nhận cá nhân khi ngày Tết đang đến gần.
Lên “mắt biển”
Trong chuyến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trạm 485 những ngày giáp Tết, chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam – tư lệnh Vùng 1 hải quân – cho biết 485 là trạm radar có độ cao hơn các trạm khác ở vùng 1. Ông ví đây như “mắt thần của hải quân” hay có thể gọi là “mắt biển”.
Nhiệm vụ chiến sĩ radar là quan sát và phải phát hiện được tất cả những mục tiêu lạ xâm phạm vùng biển nước ta. Thông tin phát đi từ các trạm radar rất quan trọng để các đơn vị chiến đấu thực hiện nhiệm vụ.
Để lên đến “mắt biển” 485 phải vượt qua quãng đường lầy lội, đá lởm chởm, qua những khúc suối lớn nhỏ và leo gần 1.300 bậc đá dựng đứng. Làm đường lên trên vách núi đá vôi rất vất vả, nhất là khâu vận chuyển được vật liệu lên. Con đường bậc đá đó do chiến sĩ ở trạm 485 tự làm nên càng mất nhiều thời gian.
Một người được giao làm hai bậc thôi cũng phải tự gùi vật liệu nhiều lần lên rồi đục đá và xây. Những bậc đá không đều nhau có bậc thấp bậc cao vọt hẳn lên. Có chỗ lại quá hẹp hay thẳng đứng, đủ thấy đó là sản phẩm của những “thợ xây” không chuyên nhưng đầy quyết tâm.
Các anh đã làm con đường bậc đá đó gần 10 năm. Trong thời gian chưa hoàn thành, các chiến sĩ vẫn phải lên xuống núi men theo lối mòn ven sườn núi.
Câu chuyện những người lính bám biển càng sinh động hơn khi cùng đi với nhóm cán bộ, chiến sĩ trạm 485 lên thay ca vào những ngày giáp Tết.
“Rừng nguyên sinh rất nhiều rắn. Trước khi có con đường, đã có gần 10 chiến sĩ bị rắn cắn phải khiêng xuống núi cấp cứu. Việc vận chuyển lương thực hay nước vào mùa khô cũng khá vất vả. Mỗi khi thay ca, người dưới sở chỉ huy lên núi phải xách theo hai can nước và thực phẩm, gạo, muối. Lính hải quân đi nhanh thì cũng khoảng 2 giờ mới lên tới đỉnh, còn người bình thường có thể mất 3 giờ mới có thể tới nơi”, một chiến sĩ trạm 485 cho biết.
“Vì tôi là chiến sĩ”
Đây là câu nói quen thuộc của những chiến sĩ trẻ ở trạm radar 485, khi được hỏi sự vượt lên khó khăn hoàn thành nhiệm vụ và cũng vượt qua cả nỗi nhớ nhà khi phải đón Tết trong tình huống sẵn sàng trực chiến.
Ở trạm 485 có người trên 20 năm tuổi quân, nhưng có những tân binh như Sùng Sinh mới được một năm quân ngũ và đón cái Tết xa nhà đầu tiên. Sinh kể đây là cái Tết khác biệt nhất trong đời. Thay vì chuẩn bị đón Tết với gia đình, tụ tập bạn bè hay rủ nhau đi chợ phiên, Sinh có cái Tết cùng đồng đội. Một cái Tết có hoa đào, bánh chưng, có lửa trại và những sinh hoạt tập thể nhưng trên tinh thần luôn sẵn sàng trực chiến. Điều đó khiến chàng tân binh vừa chộn rộn nỗi nhớ nhà lại vừa háo hức và tự hào.
“Nhớ nhà thật nhưng tôi tự an ủi là mình đang làm nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa. Vì thế phải mạnh mẽ để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không thể lơ là” – chàng tân binh còn nhấn mạnh “Vì tôi là chiến sĩ mà”.
Sinh chia sẻ bí mật “đã có người yêu ở quê”. Anh cho biết ở trạm 485 sóng điện thoại yếu và mạng Internet cũng chập chờn. Để có thể gọi điện thoại cho người yêu giữa các phiên trực, Sinh phải tìm chỗ “hứng sóng” tốt nhất. Sinh nói sẽ gọi điện về cho bố mẹ và người yêu sau phiên trực trong các ngày Tết. Đôi bạn trẻ yêu xa nhưng tin tưởng nhau. Cô gái dặn người yêu yên tâm làm nhiệm vụ còn mình sẽ chờ đợi.
Nguyễn Xuân Tân, chàng lính trẻ khác, cũng có một cái Tết ghi dấu kỷ niệm quân ngũ vì ngay sau Tết anh được ra quân. Đơn vị tổ chức gói bánh chưng và Tân lãnh nhiệm vụ gói bánh. Nói là lần đầu “làm chuyện ấy” nhưng Tân khá khéo tay. Tân kể đây là cái Tết thứ hai xa nhà và được ăn Tết với đồng đội.
“Là chiến sĩ thì việc gì cũng có thể làm được, từ trồng rau, nuôi lợn, dọn dẹp, nấu ăn, đồng thời vẫn phải sẵn sàng làm tốt nhiệm vụ”, Tân cho biết.
Còn sớm nhưng trong phòng hội trường sở chỉ huy trạm 485 đã trang trí đón Tết. Khi nồi bánh chưng được bắc lên bếp thì ở sân doanh trại cũng bắt đầu đốt lửa trại. Chương trình vui đón xuân có cả nhảy sạp lẫn nhảy hiện đại và các trò chơi vui nổ trời. Chơi hết mình và cũng làm hết mình.
Những ngày Tết trạm 485 vẫn có ba kíp trực thay phiên nhau. Trong khi các chiến sĩ vui đón xuân ở dưới, thì trên đỉnh núi, những chiến sĩ khác tập trung cao độ làm nhiệm vụ.
Khi kiểm tra công tác trực chiến ở trạm này, tư lệnh vùng – ông Vũ Văn Nam – cho biết đặc thù người lính trên các trạm radar là phải vượt lên nhiều khó khăn, vất vả. Họ phải trực chiến trong hoàn cảnh xa gia đình, xa đất liền, xa cả sở chỉ huy ở dưới. Những người lính radar trực vào đêm giao thừa, vì thế cũng sẽ có những cảm xúc rất đặc biệt. Họ không được rời vị trí quan sát, canh gác bảo vệ sự bình yên cho mọi người đón Tết. Xung quanh họ chỉ có sự im lặng của núi rừng và biển khơi. Nhưng cũng chính vì thế những lời chúc Tết, những hồi đáp từ xa trở nên ý nghĩa và ấm áp vô cùng.
“Giao thừa khi ở trên trạm, nhận lời chúc Tết của đồng đội và thủ trưởng, tôi rất xúc động”, một chiến sĩ nói. Trong khi một người khác kể nghe giọng nói của người thân vào đêm giao thừa cảm thấy ấm áp kỳ lạ, điều mà anh không hề nhận thấy khi chưa sống đời quân ngũ.
Thăm và tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ ở lữ đoàn 169 vào ngày giáp Tết, chuẩn đô đốc Vũ Văn Nam nhắc nhở chỉ huy lữ đoàn quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ chiến sĩ để các anh cảm thấy ấm áp. Mỗi con tàu là một gia đình và có nhiều gia đình trong một gia đình lớn.
Thi nấu bánh chưng ở hải đội chiến đấu
Ở lữ đoàn 169 Vùng 1 hải quân, những ngày giáp Tết không khí xuân cũng tưng bừng. Theo thượng tá Nguyễn Đức Thọ – phó đoàn trưởng lữ đoàn 169, các tàu trong hải đội đều có phòng đón xuân, trong đó trang trí giống như không khí ngày Tết ở các gia đình.
Không chỉ tổ chức chấm điểm phòng đón xuân, lữ đoàn tổ chức cho cán bộ chiến sĩ của các tàu thi gói bánh chưng. Bánh chưng thành phẩm sẽ được cắt, nếm thử và chấm điểm. Những cuộc vui xuân như vậy diễn ra đồng thời với việc đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thọ cho biết khi phát hiện mục tiêu xâm lấn lãnh thổ hoặc bất cứ tình huống phát sinh cần kiểm tra hoặc cứu hộ trên biển thì các tàu lập tức ra khơi với 100% quân số theo quy định. Thế nên cái Tết của người lính ở các hải đội chiến đấu luôn đặc biệt.
Tuoitre.vn