Trong phiên giao dịch ngày 17/6, thị trường chứng khoán chịu áp lực bán khá mạnh sau khi VN-Index để mất ngưỡng 1.300 điểm trong tuần trước. Tuy nhiên, một số cổ phiếu ngành thép tăng bứt phá.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát – nơi tỷ phú Trần Đình Long làm chủ tịch – tăng 1,4%, lên 29.500 đồng/cp.
Cổ phiếu Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ cũng tăng trần thêm gần 7%, lên 25.150 đồng/cp; Thép Đại Thiên (DTL) tăng hết biên độ, thêm 6,9%, lên 14.750 đồng/cp; Thép Nam Kim (NKG) tăng 4,3%, lên 26.800 đồng/cp…
Cổ phiếu ngành thép đồng loạt tăng mạnh sau khi Việt Nam có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép mạ (còn được gọi là tôn mạ) đến từ nước ngoài.
Cụ thể, ngày 14/6, Bộ Công Thương có quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, theo hồ sơ yêu cầu của 5 công ty: CTCP tập đoàn Hoa Sen; CTCP Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; CTCP Tôn Đông Á và CTCP China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc. Trước đó, HPG và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh có yêu cầu điều tra.
Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017, với mức thuế cao nhất là 38,34%. Sau 5 năm triển khai, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này. Đến năm 2023, các doanh nghiệp thép tiếp tục nộp hồ sơ để kiến nghị khởi xướng điều tra.
Chủ tịch HPG Trần Đình Long cho rằng, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo chuẩn WTO và là điều thông thường.
Tại Việt Nam, thị phần thép nhập khẩu lớn hơn thép sản xuất trong nước, với mức giá thấp, khiến các doanh nghiệp nội địa gặp khó. HPG hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn. Quy mô thép của HPG còn gia tăng trong các năm tới khi siêu dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động từ năm 2025.
Doanh thu Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long khi đó được dự báo tăng gấp đôi, lên gần 190 nghìn tỷ đồng.
Ngành thép khởi sắc đi liền với sức cầu đối với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh… là yếu tố giúp tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng nhanh. Triển vọng doanh nghiệp của đại gia quê Hải Dương khá tươi sáng.
Theo danh sách Forbes 2024 (công bố hồi đầu tháng 4), ông Trần Đình Long có tốc độ tăng tài sản tăng nhất trong số các tỷ phú Việt Nam trong một năm qua. Theo đó, đại gia ngành thép có thêm 800 triệu USD, lên 2,6 tỷ USD và đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tính tới ngày 17/6, theo Forbes, ông Trần Đình Long có khối tài sản là 2,7 tỷ USD, xếp thứ 3 tại Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng (4,2 tỷ USD) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet (2,8 tỷ USD).
Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán còn mạnh. Trong phiên 17/6, nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá khá mạnh như: Masan (MNS), BIDV (BID), FPT, Thế Giới Di Động (MWG)…
Mặc dù thị trường giảm mạnh từ phiên cuối tuần trước nhưng nhìn về tổng thể, theo VNDirect, phiên giảm điểm chưa làm thay đổi xu hướng tăng trong trung hạn của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nền tảng vĩ mô trong nước vẫn ổn định và đang cải thiện trên một số mặt như tăng trưởng, xuất nhập khẩu, ổn định tỷ giá và thị trường vàng,… Nhịp điều chỉnh được cho là có mức độ không lớn và sẽ không kéo dài.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/don-tin-tot-hpg-dua-ty-phu-tran-dinh-long-len-top-3-giau-nhat-viet-nam-2292466.html