Ở vùng Blue Mountains, cách TP Sydney của Australia 90 phút lái xe về phía Tây, một nhóm người đang vừa rôm rả chuyện trò, vừa làm vườn. Mùa hè, họ trồng dưa chuột, cà chua, đậu. Vụ thu hoạch mùa đông, họ có bông cải, cải xoăn, củ cải…
Đó là các tình nguyện viên của địa phương với trưởng nhóm là Manu Prigioni. “Không chỉ là câu chuyện về lương thực, việc làm vườn của chúng tôi là nhằm kết nối xã hội, giúp những người cô đơn hòa nhập cộng đồng”, cô Prigioni nói.
Dự án mà Prigioni khởi xướng từ 4 năm trước có tên Farm it Forward (tạm dịch: Cùng nhau làm vườn). Rất nhiều chủ đất đã tặng một phần đất đai của mình cho dự án. Đổi lại, họ có thể giao tiếp với nhiều người, tránh được nguy cơ bị cô lập xã hội. Một trong số chủ đất này là bà Sylvia May, 79 tuổi. “Nếu không có Farm it Forward, hầu hết các mối quan hệ xã hội của tôi sẽ là với những người cùng độ tuổi. Thật vui khi được hòa nhập với nhiều người ở các độ tuổi khác nhau, giúp tôi cảm thấy là chính mình, chứ không phải một người già”, bà May chia sẻ.
Các chủ đất như bà May sẽ nhận được thực phẩm miễn phí. Phần còn lại sau khi thu hoạch được bán trực tiếp cho cộng đồng để có chi phí hỗ trợ những người trẻ thường đến các khu vườn làm thiện nguyện.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior của Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, cho thấy mối liên hệ giữa sự cô đơn và tử vong sớm ở hơn 2 triệu người trưởng thành. Theo nghiên cứu này, những người trải qua sự cô lập xã hội, có nguy cơ tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào, với tỷ lệ cao hơn 32%.
Tiến sĩ Grant Blashki, cố vấn lâm sàng của dịch vụ sức khỏe tâm thần Beyond Blue, cho biết cụ thể hơn rằng người cô đơn có nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, đột quỵ cao hơn 30%. “Chúng ta cũng biết rằng sự cô đơn và cô lập xã hội cũng liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn như trầm cảm, lo lắng, mất trí nhớ và thậm chí là tự tử. Vì vậy, chúng ta thực cần kết nối xã hội”, ông Blashki nói.
Bản thân Prigioni bắt đầu dự án Farm it Forward cũng xuất phát từ việc phải đối điện với sức khỏe tâm thần của mình. Lớn lên ở miền Bắc Italy, cô di cư đến Australia năm 19 tuổi. Việc chuyển từ TP Sydney đến một cộng đồng nhỏ bán nông thôn là một cú sốc với cô. Prigioni cảm thấy bị cô lập, nhất là sau khi sinh con, cô đã trải qua một giai đoạn trầm cảm sau sinh mà không có sự hỗ trợ của gia đình ở gần. Dưới sự hướng dẫn của nhà tâm lý học, Prigioni bắt đầu làm vườn và phát triển niềm đam mê nuôi trồng thủy sản. Chính điều này kết nối cô với những người cùng chí hướng khác. Dần dần, dự án đã trở thành một đại gia đình nhiều thành viên.
Tiến sĩ Blashki cho biết các dự án cộng đồng như Farm it Forward ngày càng được ngành y tế coi là một giải pháp cho cô lập xã hội. “Các bác sĩ đang được khuyến khích cung cấp đơn thuốc xã hội, khuyến nghị bệnh nhân tham gia các nhóm cộng đồng. Ngành y tế đã hiểu rằng việc thu hút mọi người tham gia giao tiếp xã hội là một phần thực sự quan trọng trong cuộc sống của họ”, ông Blashki nói.
Theo Viện Y tế và phúc lợi Australia, cô lập xã hội được định nghĩa là thiếu liên lạc với người khác và có thể liên quan đến việc có một mạng giao tiếp xã hội hạn chế, hoặc sống một mình. Trong khi đó, cô đơn là một trạng thái cảm xúc, đáp ứng với mức độ tiếp xúc xã hội thấp hơn mong muốn.
MINH CHÂU